image banner
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN SÁCH LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ HUYỆN KON PLÔNG TẬP I (1930- 2002)

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

SÁCH LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ HUYỆN KON PLÔNG

TẬP I (1930- 2002)

(tái bản có bổ sung, chỉnh sửa sách lần thứ nhất, năm 2024)

 

    Huyện Kon Plông có lịch sử lâu đời, đã nhiều lần sáp nhập và tái thành lập với nhiều tên gọi khác nhau, gắn liền với lịch sử Tây Nguyên và lịch sử dân tộc. Nhân dân Kon Plông giàu truyền thống: Lao động cần cù, nồng nàn yêu quê hương đất nước, đoàn kết dân tộc, anh dũng bất khuất chống kẻ thù xâm lược. Truyền thống đó đã được hun đúc, phát triển, ngay sau khi Đảng bộ ra đời, đã lãnh đạo Nhân dân huyện nhà thực hiện công cuộc kháng chiến kiến quốc và xây dựng quê hương Kon Plông phát triển, giàu mạnh, an toàn và bền vững.

    Ban Thường vụ Huyện ủy khóa XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) đã chỉ đạo sưu tầm, xác minh tư liệu, biên tập, bổ sung, chỉnh sửa và xuất bản sách Lịch sử Đảng bộ huyện Kon Plông, tập I (1930-2002). Trên cơ sở kế thừa và chỉnh lý tập sách Lịch sử Đảng bộ huyện Kon Plông, tập I (1930-1975), xuất bản năm 2001 và sách Lịch sử Đảng bộ huyện Kon Plông, tập II (1976-2002), xuất bản 2009, thành bản sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Kon Plông, tập I (1930-2002)”.

    I. Giới thiệu tổng quan về Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Kon Plông, tập I (1930-2002) được kết cấu gồm các chương, mục sau:

Lời mở đầu;

Phần Mở đầu: Giới thiệu về vùng đất và con người Kon Plông;

Chương I: Đấu tranh chống đế quốc, phong kiến áp bức nô dịch, khởi nghĩa giành chính quyền (1930-1945);

Chương II: Bảo vệ chính quyền cách mạng, tích cực xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang và căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1949);

 Chương III: Thành lập Ban Cán sự Đảng huyện, Đảng bộ lãnh đạo Nhân dân kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1949-1954);

 Chương IV: Đảng bộ chuyển hướng tổ chức, đấu tranh giữ gìn và phát triển lực lượng (1954-1960);

  Chương V: Đảng bộ lãnh đạo góp phần đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh (1961-1972);

 Chương VI: Lãnh đạo đấu tranh chống địch lấn chiếm, xây dựng vùng căn cứ giải phóng huyện H29, góp phần giải phóng thị xã và toàn tỉnh Kon Tum (1973-1975);

 Chương VII: Lãnh đạo công tác xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng sau giải phóng (1975-1980);

 Chương VIII: Tiếp tục lãnh đạo Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong giai đoạn giai đoạn (1981-1985);

Chương IX: Vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện đường lối đổi mới (1986-1991);

 Chương X: Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới  (1991-1995);

 Chương XI: Lãnh đạo thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn (1996-2002);

 Phần Kết luận;

 Phần phụ lục: Phụ lục 1. "Danh sách các tập thể, cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân". Phụ lục 2. "Danh sách các Bà mẹ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng huyện Kon Plông". Phụ lục 3. "Danh sách Ban Cán sự Đảng và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kon Plông (1950-2002)".

II. Cụ thể từng nội dung cần tập trung tuyên truyền:

Phần mở đầu giới thiệu về đất và người Kon Plông, cần tập trung đi sâu vào các đặc điểm lớn như sau:

  1. Vị trí địa lý và lịch sử hình thành

 Kon Plông là huyện miền núi, nằm phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, ở tọa độ địa lý từ 14019’55’’ đến 14046’10’’ Vĩ độ Bắc, 108003’45’’đến 108022’40’’ Kinh độ Đông. Phía Bắc giáp huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; phía Nam giáp huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai và huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum; phía Đông giáp huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi; phía Tây giáp huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Nằm trên trục Quốc lộ 24 (trước đây là đường số 5) nối tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, cách thành phố Kon Tum khoảng 54  km về phía Đông Bắc.

Ngày 09-02-1913, tỉnh Kon Tum được thành lập. Từ khi thành lập tỉnh Kon Tum đến năm 1928, thực dân Pháp vẫn thực hiện chính sách trực trị. Năm 1928, thực dân Pháp cho phép Triều Nguyễn lập chính quyền tay sai gọi là Đạo Kon Tum. Đạo Kon Tum gồm có các Hạt: Kon Tum, Kon Plông, An Khê, Đăk Tô và Đăk Sút. Từ đây, danh xưng Kon Plông chính thức được thiết lập với tư cách là một đơn vị hành chính cấp huyện (gọi là hạt Kon Plông).

2. Đất đai, tài nguyên

Diện tích tự nhiên 137.124 ha. Trong đó, đất nông - lâm nghiệp là 124.761 ha  (chiếm 91%); phần lớn diện tích tự nhiên là rừng, nên địa hình cao và dốc. Huyện Kon Plông chủ yếu thuộc tiểu vùng Đông Trường Sơn với nhiệt độ trung bình dao động trong khoảng 23-25°C; lượng mưa từ 2.100 - 2.800 mm, độ ẩm: 82-97%. Một đặc thù của tiểu vùng này là lượng mưa trải dài nhiều tháng trong năm, ngay cả trong mùa khô vẫn thường có mưa do ảnh hưởng của chế độ mưa Đông Trường Sơn. Đặc điểm khí hậu của huyện Kon Plông cho phép bố trí nhiều loại cây trồng và vật nuôi, nhất là các cây trồng, vật nuôi xứ lạnh.

Đất đai trên địa bàn huyện Kon Plông bao gồm nhiều loại, nhưng có hai lớp phủ thổ nhưỡng điển hình tương phản nhau về màu sắc và độ phì nhiêu. Lớp thổ nhưỡng trên nền mác-ma-ba-zơ và trung tính, đất có tầng dày, tơi xốp, độ phì nhiêu cao, màu đỏ. Lớp phủ vàng đỏ, vàng xám và xám, hình thành trên các nền đá mác ma axít và đá cát, phù sa cổ. Đất có tầng dày biến động, độ phì thấp, nhiều kết vón đá lẫn, thành phần cơ giới nhẹ, quá trình rửa trôi mạnh. Trong lòng đất Kon Plông có nhiều loại khoáng sản. Quặng bô xít phân bố ở địa bàn xã Măng Cành, thị trấn Măng Đen, với hàm lượng Al₂O₃ từ 48-51%. Mạch nước khoáng ở xã Đăk Ring, Ngọk Tem.

Rừng Kon Plông rất đa dạng, phong phú về động vật, thực vật, trong đó có nhiều loại quý hiếm. Nơi đây còn là kho dược liệu quý như mật ong, gạc nai, nhung nai... và rất nhiều cây thuốc dân gian độc đáo, chữa được nhiều loại bệnh. Rừng Kon Plông còn là nơi bảo vệ môi sinh trong lành, ổn định nguồn sinh thuỷ của hệ thống sông ngòi chảy xuống vùng duyên hải, nên có vị trí quan trọng về việc bảo vệ môi trường sinh thái không những của tỉnh Kon Tum mà cả vùng duyên hải miền Trung. Rừng ở Kon Plông có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch sinh thái.

Hệ thống sông suối trên địa bàn huyện khá dày đặc và phân bố đồng đều. Do ảnh hưởng của địa hình cao dốc, sông suối ở đây đều là đầu nguồn và chảy về nhiều hướng xuống đồng bằng và đổ ra biển Đông. Trên địa bàn huyện có 4 sông lớn chảy qua, đó là: sông Đăk Ring (dài 15 km) chảy qua địa bàn xã Đăk Ring và chia thành 02 nhánh: Đăk Rơ Manh và Đăk Rơ Ngheo; sông Đăk S Nghé (dài 60 km), sông Đăk Tơ Meo (dài 15 km), sông Đăk Chè chảy về hướng Quảng Ngãi, đoạn đi qua xã Ngọk Tem dài trên 15 km và nhiều sông suối nhỏ. Nguồn nước do các sông, suối đem lại rất dồi dào, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng các hệ thống thuỷ lợi, thủy điện và tưới tiêu.

Nằm ở vị trí chiến lược khu vực Bắc Tây Nguyên, Kon Plông là nơi có trục đường 24 (đường 5 ngày xưa) đi qua, đường đã được nâng cấp, cải tạo. Đây là con đường chiến lược, là huyết mạch giao thông quan trọng, nối liền Kon Tum, Tây Nguyên với vùng đồng bằng Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung. Đường Trường Sơn Đông là tuyến đường giao thông quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung, huyện Kon Plông nói riêng.

3. Đặc điểm kinh tế - xã hội

Dân số toàn huyện tính đến tháng 4-2019 (kết quả Cuộc tổng điều tra dân số) là 26.052 người, trong đó dân cư thành thị 4.966 người (19%); dân cư nông thôn 21.059 người (81%); mật độ trung bình khoảng 20 người/km2; người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số toàn huyện, chủ yếu là người dân tộc Xơ Đăng, Hơ Re và một số dân tộc thiểu số khác ở các tỉnh phía Bắc mới di cư đến. Trên địa bàn huyện có 03 tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo và Tin Lành.

Người Xơ Đăng có các nhánh là Ka Dong, Mơ Nâm, Tơ Đrá…Đây là kết quả về những cuộc chuyển cư của cư dân các nhóm thuộc dân tộc Xơ Đăng. Với đặc điểm có nhiều dân tộc cùng sinh sống, tuy có sự khác nhau về truyền thống văn hoá, nhưng các cư dân trên địa bàn huyện đều sinh sống hòa thuận, đoàn kết và thống nhất trong một tổng thể, mang đặc trưng gần giống nhau về trình độ, mức sống, tâm lý, đạo đức... cộng đồng dân tộc ở huyện Kon Plông cư trú quần cư theo từng thôn, làng với kinh tế tự cung, tự cấp. Đặc trưng cơ bản của phương thức sản xuất nông nghiệp là chăn nuôi, trồng lúa nước và phát triển các nghề thủ công nghiệp như dệt vải, rèn, gốm, đan lát .... Do sự tác động của xã hội hiện đại, tổ chức cơ sở xã hội nhỏ nhất là gia đình của cư dân các dân tộc huyện Kon Plông được chuyển biến theo hướng gia đình lớn dần dần giải thể, gia đình nhỏ từng bước được xác lập và diễn ra rộng khắp trong cộng đồng dân cư.

Chương I. Đấu tranh chống đế quốc, phong kiến áp bức nô dịch khởi nghĩa giành chính quyền (1930-1945)

Nội dung Chương này tập trung vào các vấn đề:

1. Kon Plông dưới ách thống trị của đế quốc, tay sai

Đồng bào các dân tộc ở huyện Kon Plông đã trải qua một thời gian dài sống dưới ách thống trị tàn bạo của chế độ thực dân, đế quốc và phong kiến tay sai, thiếu thốn trăm bề. Đặc biệt nạn thiếu muối ngày càng trầm trọng, nhiều làng trong 3 - 4 tháng liền không có muối ăn.

Từ đó, đồng bào đứng lên từ tự phát đến thức tỉnh bởi ý thức dân tộc và tiếp nhận ánh sáng đường lối cách mạng của Đảng, của Bác Hồ, kiên quyết chống đế quốc phản động để đi đến khi giành được thắng lợi cuối cùng.

2.    Đấu tranh chống lại ách thống trị của đế quốc, tay sai

Ảnh hưởng từ các phong trào đấu tranh trong tỉnh nhiều làng ở huyện Kon Plông đã nổi dậy đấu tranh chống Pháp và tay sai với nhiều hình thức. Người Tơ Đrá, trốn thuế mà cũng không đi xâu. Người Xơ Teng chống thuế của Pháp bằng cách khai giảm số dân đinh. Đồng bào (Ca Dong) Xơ Đăng đã tự động tiến công nhiều đồn lính Pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại; giữ đất giữ làng của dân tộc mình.

3. Ánh sáng cách mạng của Đảng chiếu rọi đến Kon Plông

Ngày 03-02-1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời mở ra bước ngoặt vĩ đại cho cách rnạng Việt Nam. Ở Kon Tum, vì chưa có cơ sở các tổ chức tiền thân của Đảng, thiếu cán bộ, đảng viên nên công tác tuyên truyền đường lối, xây dựng tổ chức Đảng chưa thực hiện được tới các huyện.

 Những người tù chính trị ở Kon Tum là những hạt giống đỏ gieo mầm cách mạng và đem ánh sáng niềm tin lý tưởng của Đảng đến với đồng bào các dân tộc ở Kon Tum, trước tiên là ở thị xã Kon Tum, sau đó lan dần đến huyện, trong đó có huyện Kon Plông. Tháng 6-1930, thực dân Pháp đưa đồng chí Ngô Đức Đệ từ nhà lao Hà Tĩnh lên giam cầm ở nhà tù Kon Tum (Lao Trong). Tại đây, với tinh thần của người đảng viên Cộng sản, đồng chí Ngô Đức Đệ đã tìm cách gần gũi, tuyên truyền cảm hóa được các ông đội, ông cai rồi đi đến việc vận động thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum ngay tại nhà Ngục Kon Tum (vào ngày 25-9-1930).

Sự ra đời và hoạt động của các chi bộ Đảng ở Kon Tum đã làm cho người dân và những người làm trong chính quyền địch dần dần biết được những người tù bị giam giữ hoặc đưa đi khổ sai làm đường 14 là những người yêu nước, những chiến sỹ cộng sản tích cực chống đế quốc, phong kiến đem lại lợi ích cho dân tộc, cho mọi người, chứ không phải là "bọn nổi loạn đốt nhà cướp của” như thực dân Pháp tuyên truyền. Tư tưởng, đường lối cách mạng của Đảng đến những người chỉ huy và binh lính địch người địa phương, một bộ phận nhỏ nhưng có uy thế và quan hệ xã hội rộng rãi ở tỉnh. Điều đó làm cho tư tưởng cách mạng dễ dàng thâm nhập vào nhiều người trong phạm vi thị xã Kon Tum và các vùng lân cận như huyện Kon Plông.

Cuộc đấu tranh Lưu huyết và Tuyệt thực của gần 200 tù chính trị tại Ngục Kon Tum diễn ra từ ngày 12-12-1931 đến ngày l6-l2-193l chống lại chế độ hà khắc của thực dân Pháp đã khiến 15 đồng chí hy sinh và 16 đồng chí khác bị thương. Đây là một sự kiện lớn, gây chấn động đối với bọn thực dân thống trị Pháp ở ngay tại Kon Tum và toàn cõi Đông Dương. Lần đầu tiên, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Kon Tum nói chung và các làng tổng lân cận thuộc Kon Plông chứng kiến một cuộc đấu tranh không cân sức giữa những người tù tay bị xiềng xích, gông cùm với binh lính địch có trong tay dư thừa súng đạn. Đồng bào rất khâm phục ý chí kiên cường của những người tù chính trị cộng sản. Càng hiểu về những người cộng sản, càng hiểu về Đảng; Nhân dân Kon Plông nguyện đi theo Đảng để giành độc lập, tự do…Đó là một trong những nhân tố cơ bản làm cho Nhân dân huyện Kon Plông giác ngộ, tin tưởng vững bước tiến lên trên con đường cách mạng.

Sự tàn ác của đế quốc Pháp, lòng căm thù và tinh thần đấu tranh ngày một quyết liệt của Nhân dân, ảnh hưởng phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo lan rộng dần. Đó là những điều kiện cần thiết để Nhân dân huyện Kon Plông hưởng ứng và tham gia cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, làm chủ quê hương.

4. Hưởng ứng cao trào đấu tranh giành độc lập dân tộc do Đảng lãnh đạo (1939-1945)

Ở tỉnh Kon Tum, từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ cho đến khi Đảng ta lập Mặt trận Việt Minh, không khí căng thẳng, ngột ngạt của chiến tranh, của áp bức, bóc lột, đàn áp, khủng bố bao trùm khắp nơi, cả vùng người Kinh đến vùng dân tộc thiểu số, cả núi rừng vùng cao đến thị xã, thị trấn. Các tầng lớp nhân dân, các giai cấp cũng bị phân hóa mạnh mẽ. Mâu thuẫn đó ngày càng đòi hỏi phải được cấp bách giải quyết. Trên khắp các làng, các vùng đều hừng hực khí thế đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn cơ bản này. Nhưng khó khăn lớn đối với phong trào cách mạng ở tỉnh Kon Tum từ sau năm 1941 (nghĩa là sau khi Mặt trận Việt Minh được thành lập) là chưa có tổ chức Việt Minh địa phương và ảnh hưởng của phong trào Việt Minh ở nơi khác đến cũng bị hạn chế.

Trong thời này, phong trào vũ trang chống Pháp ở Kon Plông vẫn tiếp tục được duy trì. Nhưng do chiến tranh, đồng bào đã rất cực khổ. Khi Nhật đem quân lên Tây Nguyên tranh giành với Pháp lập đồn điền, xây dựng căn cứ quân sự đối phó lẫn nhau, tăng cường cướp thóc gạo, trâu bò, lợn gà thì đờỉ sống của Nhân dân càng khổ hơn. Hàng trăm thanh niên bị bắt đi lính: Đàn ông, đàn bà, người già phải đi xâu làm đường. Gạo, muối thiếu trầm trọng. Nạn đói, dịch bệnh xảy ra trong nhiều làng thuộc các huyện Kon Plông, Đăk Tô, Đăk Glei làm chết nhiều người. Phong trào nước Thần tạm lắng xuống.

Ngày 11-3-1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Ngãi, các tù chính trị bị giam ở huyện lỵ Ba Tơ cùng với nhân dân địa phương lợi dụng lúc quân Pháp hoảng loạn, đã khởi nghĩa thắng lợi. Đội du kích Ba Tơ ra đời trong ngày khởi nghĩa (28 chiến sĩ, 14 súng) tiến hành xây dựng căn cứ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc dãy Trường Sơn. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi có ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Kon Plông (Kon Tum). Một số nơi trong huyện Kon Plông, Nhân dân đã tự quản.

5. Khởi nghĩa giành chính quyền

Đến giữa năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi cho cách mạng tỉnh Kon Tum và huyện Kon Plông. Các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai tiếp giáp với Kon Tum, phong trào Việt Minh đã phát triển mạnh. Các cơ quan quân sự, hành chính của địch ở thị xã Kon Tum, các huyện lỵ bị tê liệt. Thêm nhiều làng ở Kon Plông, Nhân dân đã tự quản. Chính quyền địch ở Kon Plông chỉ tập trung ở huyện lỵ với một tiểu đội bảo an binh và bộ máy của tri huyện.

Ở Quảng Ngãi - tỉnh tiếp giáp với huyện Kon Plông, ngày 14-8-1945, lực lượng vũ trang địa phương đã giải phóng hầu hết các huyện, bao vây quân Nhật ở thị xã. Tiếng vang của các cuộc khởi nghĩa khắp nơi trong nước đến Kon Tum. Tiếng trống khởi nghĩa từ làng Thi Phổ (Mộ Đức) - nơi đứng chân của cơ quan Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, mở đầu cho tổng khởi nghĩa ở Quảng Ngãi. Đến trưa 15-8-1945, hầu hết các làng, phủ, huyện nằm dọc Quốc lộ 1 thuộc Đức Phổ, Bình Sơn, và Ba Tơ, Nhân dân đã vũ trang khởi nghĩa thắng lợi. Cùng với khởi nghĩa ở thị xã, lực lượng vũ trang Quảng Ngãi mà nòng cốt là đội du kích Ba Tơ lần lượt đánh chiếm các đồn Di Lăng, Sơn Hà, Minh Long, huyện lỵ Nghĩa Hành và bao vây đồn Trà Bồng. Cả vùng rộng lớn phía Tây Quảng Ngãi tiếp giáp và bao bọc về phía Đông huyện Kon Plông đã được giải phóng, chính quyền về tay Nhân dân.

Lực lượng cách mạng Ba Tơ từ sau khởi nghĩa tháng 3-1945 đã nhận thấy mối quan hệ khăng khít trên cùng địa bàn chiến lược giữa Quảng Ngãi với Kon Tum, giữa Ba Tơ với Kon Plông. Vì vậy, ngày 15-8-1945, Ba Tơ giành được chính quyền từ tay quân Nhật. Vài ngày sau đó, lực lượng cách mạng Ba Tơ kéo lên huyện lỵ Kon Plông để phối hợp khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng này khoảng 10 người do các đồng chí Huỳnh Long Thành và Phạm Mẹo phụ trách lên Kon Plông theo chỉ thị của Huyện uỷ Ba Tơ. Lực lượng địch ở huyện lỵ Kon Plông lúc bấy giờ không nhiều, chỉ có một đồn lính bảo an do đồn trưởng Lê Phò chỉ huy, đã không còn muốn đánh nhau vì quyền lợi của bọn Nhật. Tri huyện Nuôn là tay sai của Pháp, phản động khét tiếng nhưng lúc này đã hoang mang. Khi lực lượng khởi nghĩa kéo đến Kon Plông không gặp phải sự cản trở nào của kẻ địch. Tri huyện Nuôn và đồn trưởng bảo an vội vàng nộp vũ khí, sổ sách, ấn triện cho cách mạng. Ngày 19-8-1945, huyện Kon Plông giành được chính quyền về tay Nhân dân và là địa phương giành chính quyền sớm nhất trong Cách mạng tháng Tám ở tỉnh Kon Tum. Bộ máy chính quyền của huyện được thành lập trước khi có sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Kon Tum.

Chương II: Bảo vệ chính quyền cách mạng, tích cực xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang và căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1949)

Trong chương này tập trung cần làm rõ các vấn đề:

1. Bảo vệ, củng cố và xây dựng chính quyền, đoàn thể cứu quốc

Kon Plông, được sự giúp đỡ của Việt Minh huyện Ba Tơ nên bộ máy chính quyền huyện được thành lập trước khi có sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Kon Tum. Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban hành chính lâm thời tỉnh Kon Tum, thông qua các đội công tác, tổ chức bộ máy chính quyền và đoàn thể ở làng, xã trong huyện Kon Plông đã từng bước được thành lập. Chính quyền cách mạng đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo Nhân dân vượt qua khó khăn trở ngại, ổn định đời sống, diệt giặc dốt, giặc đói, chuẩn bị các điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá trong huyện. Uy tín của chính quyền cách mạng, mối quan hệ gắn bó giữa Việt Minh và quần chúng Nhân dân do đó được tăng cường.

2. Xây dựng lực lượng, tổ chức Nhân dân kháng chiến chống Pháp, thành lập các chi bộ đảng đầu tiên trên địa bàn huyện

- Đến giữa năm 1946, thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Tháng 6-1946, Xứ uỷ Trung Kỳ họp Hội nghị mở rộng. Tỉnh uỷ Kon Tum đã kịp thời chỉ đạo chính quyền huyện Kon Plông tổ chức sơ tán đồng bào ở Măng Đen, Kon Plông về vùng Ba Tơ (Quảng Ngãi) và chuẩn bị đón chính quyền tỉnh và đồng bào sơ tán.

- Ngày 26-6-1946, quân Pháp đánh chiếm thị xã Kon Tum. Chính quyền, bộ đội, du kích tổ chức chặn địch để Nhân dân rút ra ngoài thị xã theo đường 5 sơ tán về huyện Kon Plông. Quân Pháp theo đường 14 đánh chiếm Đăk Tô, Đăk Glei và theo đường 5 đánh huyện Kon Plông. Chính quyền, quân dân huyện Kon Plông rút về làng Kon Kơ Tàu đã cùng Chi đội 6 và dân quân trong tỉnh vừa tổ chức chặn đánh địch quyết liệt, vừa hỗ trợ lương thực, thực phẩm, ổn định nơi ăn ở cho đồng bào sơ tán, bảo vệ Ủy ban kháng chiến tỉnh và đồng bào an toàn về vùng Ba Tơ (Quảng Ngãi).

- Địch chiếm huyện lỵ Kon Plông, kiểm soát đường 5. Tình hình Kon Plông gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan chính quyền, đoàn thể, Mặt trận chuyển vào các làng vùng xa hoạt động. Bộ máy chính quyền trong huyện không còn giữ hình thức như trước mà chuyển sang danh nghĩa thuộc Phân ban quốc dân thiểu số để bảo toàn tổ chức và lực lượng chỉ đạo Nhân dân kháng chiến.

 -  Ở Kon Plông, thực dân Pháp xây dựng nhiều đồn bốt ở huyện lỵ và các vị trí quan trọng trong huyện.

- Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho phong trào kháng chiến ở huyện Kon Plông là: Tăng cường xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng căn cứ, phát động phong trào chiến tranh du kích trong Nhân dân; củng cố niềm tin của quần chúng vào Đảng, Chính phủ và cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Ban cán sự Đảng vùng Đông Kon Tum chủ trương lấy vùng Viôlắc và Kon Kờ Tàu tiếp giáp với Ba Tơ (Quảng Ngãi) làm nơi đóng cơ quan lãnh đạo và hậu cứ của các đội công tác, dùng lực lượng vũ trang: bộ đội, du kích bao vây cứ điểm Kon Plông, chia cắt phá hủy cầu, cống trên trục đường 5 từ huyện lỵ Kon Plông đi thị xã Kon Tum; tổ chức phá tề, trừ gian, tạo điều kiện cho các đội công tác gây dựng cơ sở chính trị và tổ chức dân quân du kích ở các làng ven đường 5. Ban cán sự vùng Đông Kon Tum đã chỉ đạo lập 2 chi bộ: Chi bộ cơ quan của Ban cán sự và Chi bộ đại đội vũ trang 201; lập lực lượng vũ trang tại các căn cứ ở Kon Plông.

Nhận thấy cần thiết phải có tổ chức đảng để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở cơ sở và khi các điều kiện thành lập chi bộ đảng đã chín muồi, tháng 4-1947, Ban cán sự Đảng vùng Đông Kon Tum chỉ đạo thành lập Chi bộ xã Pờ Ê gồm 05 đồng chí: Lê Ngọc Điềm, Nguyễn Thụ, Ba Một, A Thiên, Bá Thích, do đồng chí Lê Ngọc Điềm làm Bí thư Chi bộ. Đây là chi bộ đảng đầu tiên của huyện Kon Plông[1], là nền móng, tiền đề và điều kiện quan trọng để phát triển tổ chức cơ sở đảng, phát triển đội ngũ đảng viên của huyện trong những năm tiếp theo. Cùng khoảng thời gian trên, tại xã Hiếu - liền kề với xã Pờ Ê, các điều kiện cho việc thành lập chi bộ Đảng đã chín muồi. Chi bộ Đảng xã Hiếu được thành lập có 04 đảng viên gồm: đồng chí Huỳnh Cẩm, Bí thư chi bộ; A Rều, A Khòm, A Klo. Đây là Chi bộ thứ hai của huyện, sau chi bộ Pờ Ê được thành lập cùng năm 1947. Một thời gian sau, Chi bộ xã Hiếu phát triển lên 11 đảng viên.

3. Đẩy mạnh phong trào kháng chiến toàn diện

- Kon Plông, lực lượng an ninh tại các địa bàn được phân công đã thực hiện có hiệu quả phương châm 3 cùng: "Cùng ăn, cùng ở, cùng làm" để sâu sát và nắm được dân, hiểu phong tục tập quán và các mối quan hệ xã hội; phân loại đối tượng, tranh thủ tề, phân hoá chúng nhằm vô hiệu hoá bộ máy chính quyền địch dọc đường số 5 từ Kon Plông đi thị xã Kon Tum, tạo điều kiện cho các đội công tác vận động xây dựng chính quyền cách mạng.

- Đến năm 1949, Kon Plông đã tổ chức được chính quyền cách mạng ở 9 xã; xây dựng được hai tiểu đội du kích. Lực lượng du kích của Kon Plông hoạt động trong căn cứ đã trở thành nòng cốt cho phong trào kháng Pháp của Nhân dân trong toàn huyện; đã tổ chức một số trận chống địch càn quét đạt hiệu suất cao; tiêu biểu trong một trận chống càn, dân quân Kon Trút (xã Hiếu) đã dùng ná bắn chết 2 sĩ quan địch. Chiến thắng này được Chính phủ ghi nhận và tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Đến cuối năm 1949, nhiều làng ở Kon Plông đã có đảng viên; đã thành lập được một số chi bộ đảng, là nền móng, tiền đề và điều kiện quan trọng để phát triển tổ chức cơ sở đảng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên và tiến tới thành lập Đảng bộ huyện Kon Plông.

Chương III: Thành lập Ban cán sự Đảng bộ huyện, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1949-1954)

Tập trung làm nổi bật một số sự kiện sau:

1. Thành lập Ban Cán sự Đảng huyện Kon Plông

- Ngày 22-3-1950, Ban Cán sự Đảng tỉnh quyết định thành lập Ban Cán sự huyện Kon Plông (sau này là Huyện ủy Kon Plông). Đồng chí Phạm Chánh cán bộ Huyện uỷ Ba Tơ, trong Ban cán sự Đảng tỉnh Kon Tum Gia - Kon được cử làm Bí thư đầu tiên Ban cán sự Huyện, đồng thời là Trưởng Ban vận động chính quyền. Trong Ban cán sự còn có các đồng chí Lê Hai, Bùi Thể, Huỳnh Họa. Đây là Ban cán sự Đảng (Huyện uỷ) đầu tiên của Kon Plông. Sự hoạt động của Ban cán sự về sau cũng rất linh hoạt: Khi thì dưới danh nghĩa Ban vận động chính quyền, khi thì danh nghĩa quân đội, lúc cần thiết lại lấy danh nghĩa Mặt trận hoặc đoàn thể quần chúng.

- Tháng 5-1950, Ban cán sự Đảng và Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia - Kon quyết định lập 7 khu (huyện). Địa bàn tỉnh Kon Tum (cũ) được tổ chức thành 3 khu: Khu 1- Đăk Glei; Khu 2 - Đăk Tô; Khu 3 - Kon Plông. Vào thời điểm sau khi thành lập các khu thì Khu 3 (Kon Plông) bao gồm các xã: Xã Hiếu, Pờ Ê, Măng Cành, Đăk Long, Đăk Pne,  Đăk Rong, Kon Hà Nừng, xã Krem.

2. Đảng bộ lãnh đạo Nhân dân Kon Plông đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc

- Thực hiện phương hướng, nhiệm vụ của Liên khu ủy Khu V và Ban cán sự tỉnh Gia - Kon, biên chế lực lượng vũ trang trên địa bàn các huyện được sắp xếp củng cố lại. Tỉnh đội Kon Tum và Gia Lai cũng sáp nhập thành Ban dân quân Bắc Tây Nguyên. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban cán sự tỉnh Gia - Kon, Ban chỉ huy Quân sự huyện Kon Plông đã được củng cố, để phối hợp thống nhất chỉ huy lực lượng vũ trang và các hoạt động quân sự trên phạm vi toàn huyện; củng cố bộ máy, tổ chức tuyển quân, huấn luyện du kích, phát triển lực lượng vũ trang địa phương.

- Tháng 10-1950, Trung đội bộ đội địa phương huyện Kon Plông được thành lập đóng ở xã Hiếu, bao gồm 32 cán bộ chiến sĩ, có sự giúp đỡ của 3 cán bộ người Kinh. Ban Chỉ huy Trung đội gồm có: Đồng chí Đinh Láy (Trung đội trưởng); Đinh Lế (Chính trị viên) và Đinh Lẻ (Trung đội phó). Ba cán bộ chỉ huy Trung đội người Kinh là các đồng chí Huỳnh Sa, Nguyễn Hoà và Lê Văn Vinh có nhiệm vụ giúp đỡ, hướng dẫn Ban chỉ huy Trung đội người dân tộc thiểu số, lúc Trung đội bộ đội mới thành lập. Trung đội biên chế thành 3 tiểu đội, do 3 đồng chí: KRo, Đọt và đồng chí Nổ (đều là người dân tộc thiểu số tại chỗ) làm Tiểu đội trưởng. Các tiểu đội đều được trang bị súng trường, súng tiểu liên và lựu đạn cho 100% quân số; quần áo chiến sĩ được trang bị như bộ đội chủ lực, mỗi năm hai bộ. Trung đội vừa làm nhiệm vụ chiến đấu chống càn, vừa tiến hành sản xuất tự túc lương thực. Trong Trung đội bộ đội địa phương đã thành lập Chi bộ Đảng, gồm 11 đảng viên, do đồng chí Huỳnh Sa làm Bí thư, đồng chí Đinh Lế là Phó bí thư, đồng chí Lê Văn Vinh là Chi uỷ viên. Các đảng viên của chi bộ gồm: Đinh Láy, Đinh Lẻ, Đinh KRo, Đinh Điều, Đinh Gúa, Đinh Guôn và Nguyễn Hoà. Xã Hiếu là điển hình toàn diện của phong trào cách mạng ở Kon Plông những năm 1946-1950.

- Hướng dẫn nhân dân tăng cường công tác phòng gian bảo mật; thực hiện "3 không”: Không nghe, không thấy, không biết và "3 phòng": Phòng gian, phòng gián điệp và phòng tai nạn. Nhờ vậy, nhiều âm mưu, thủ đoạn xây dựng ngụy quyền, ngụy quân, tề điệp thâm nhập vào vùng giáp ranh, vùng tự do để dò la và đánh phá, đã bị ta phát hiện và đập tan. Vùng căn cứ ở Kon Plông đã lập các Đoàn xung phong sản xuất và Tổ vần công. 100% bếp (nhà) của đồng bào dân tộc thiểu số vùng căn cứ có gạo tiết kiệm nuôi quân.

- Để kiểm soát chặt chẽ vùng Bắc Tây Nguyên và "phản ứng nhanh" trước những hoạt động quân sự mạnh và có hiệu quả của ta, tháng 3-1951, Pháp thành lập Quân khu Tây Nguyên với số quân 4.324 lính chiếm giữ. Ở Kon Tum, chúng lập Khu tự trị trực thuộc Quân khu Tây Nguyên, tập trung 2.280 lính chiếm đóng (chiếm hơn 50% tổng quân số ở Tây Nguyên). Riêng huyện Kon Plông, lực lượng địch có 400 lính, đóng chốt các đồn và vị trí quan trọng. Thực dân Pháp và chính quyền tay sai tăng cường chính sách vơ vét cướp bóc của cải; tăng thuế, càn quét lùng sục vào vùng căn cứ du kích để phá hoại mùa màng, đốt phá kho tàng và ngăn trở các hoạt động kinh tế của ta.

- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Liên khu V, tháng 5-1951 Ban cán sự tỉnh Gia - Kon tổ chức Hội nghị mở rộng. Căn cứ  vào chỉ đạo của Ban cán sự tỉnh, Ban Cán sự Đảng Kon Plông kiểm điểm, nhận thức rõ hơn thực trạng tình hình các mặt trên địa bàn huyện sau 5 năm đẩy mạnh kháng chiến; từ đó xác định phương châm, biện pháp đấu tranh thích hợp, đưa cuộc kháng chiến phát triển lên bước mới.

- Kon Plông là vị trí phân chi khu kiên cố của địch ở Bắc Kon Tum. Địch đã tăng cường cứ điểm Kon Plông (trọng tâm là đồn Kon Plông đóng tại làng Vi Glơng, xã Hiếu) thành Tiểu khu Kon Plông với 200 quân, phần lớn là lính Âu - Phi. Tên quan ba đồn trưởng Đuy Sê thường huyênh hoang tuyên bố: "Khi nào rừng Kon Plông hết cây, Việt Minh mới lấy được đồn này (đồn Kon Plông)”. Xác định hướng tiến công chính của Chiến dịch Hè - Thu Bắc Tây Nguyên năm 1951 là huyện Kon Plông, Đảng bộ và quân dân Kon Plông đã tập trung dồn sức cho sự thành công của chiến dịch. Các đội du kích và bộ đội địa phương Kon Plông đã phối hợp với Trung đoàn 108 và 803 tấn công phân chi khu quân sự Kon Plông, với phương thức tác chiến là "công đồn, diệt viện". Sau một thời gian ngắn tích cực khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, 4 giờ 30 phút ngày 06-8-1951, lực lượng du kích Kon Plông đã cùng bộ đội địa phương, Trung đoàn 108 nổ súng tấn công đồn Kon Plông. Quân địch chống cự quyết liệt, cố thủ chờ máy bay và quân tiếp viện. Sau 8 giờ chiến đấu ngoan cường, lực ượng vũ trang ta đã làm chủ trận địa; tiêu diệt tên đồn trưởng người Pháp và 2 đại đội (90 tên), bắt sống 195 tên, thu 100 súng trường, 30 tiểu liên, 4 đại liên, 2 súng cối, 2 súng bazôka, 10 súng FM, trên 100 ngàn viên đạn các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Phát huy thế tiến công về quân sự, lực lượng vũ trang ở Kon Plông đã tăng cường sức ép, tạo điều kiện phát triển ảnh hưởng trong quần chúng và củng cố địa bàn. Ngày 14-8-1951, có sự trợ lực của Trung đoàn 803, lực lượng vũ trang ở huyện Kon Plông đã tiêu diệt đồn Kon Praih; ngày 15-8-1951 tiêu diệt đồn Kon Pồng cách Kon Plông 8 km về phía Nam. Quân địch đóng ở các đồn Kon Pồng, Kon Mơ Ha cũng bị ta tiêu diệt.

- Trong năm 1951, nhiều mặt hàng thiết yếu đã được đưa từ vùng căn cứ, đồng bằng lên phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ở vùng nội địa, vùng địch tạm chiếm. Tổng số mặt hàng tiếp tế đạt 50 tấn muối và khoảng 10.000 nông cụ sản xuất. Đời sống nhân dân trong vùng du kích đã có bước cải thiện.

- Tháng 10-1951, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ huy, Liên khu ủy Khu V đã quyết định thành lập Mặt trận miền Tây (còn gọi là Mặt trận 30), bao gồm phần lớn tỉnh Kon Tum (cũ) và 4 huyện miền Tây Quảng Ngãi. Huyện Kon Plông do Mặt trận miền Tây thuộc Khu V quản lý điều hành chỉ đạo. Dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự tỉnh và Ban chỉ huy Mặt trận miền Tây, Ban cán sự Đảng Kon Plông đã lãnh đạo quân dân trong huyện đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và phát triển lực lượng, tổ chức biên chế mở rộng thành phần người dân tộc, xây dựng củng cố căn cứ địa, tổ chức ngụy vận liên tục và mạnh mẽ; chống phá âm mưu hành động của địch; khuyếch trương chiến dịch Hè - Thu 1951.

3. Đảng bộ lãnh đạo đưa cuộc kháng chiến chống Pháp trong huyện đến thắng lợí

- Từ sau khi Mặt trận Miền Tây được thành lập, Ban cán sự miền Tây chỉ định cho Ban cán sự huyện Kon Plông lãnh đạo, quản lý phong trào kháng chiến ở các khu vực: Xã Hiếu, Pờ Ê, Đăk Long, Măng Cành và từ Măng Đen đến Đăk Ring, dọc theo sông Đăk Sơ Liên, dọc đường 14 từ ngang Kon HRinh đến phía Bắc thị xã Kon Tum và dọc theo đường 5 đi Quảng Ngãi.

- Tháng 3-1952, Mặt trận Miền Tây quyết định chia huyện Kon Plông thành 2 huyện: Kon Plông Bắc và Kon Plông Nam. 4 xã thuộc tỉnh Gia Lai (Đăk Pne, Đăk Rong, Kon Hà Nừng, Krem) tách khỏi Kon Plông thành huyện Kon Plông Nam thuộc quản lý của Ban Cán sự tỉnh Gia - Kon.

- Tổ chức Đảng ở Kon Plông năm 1952 có bước phát triển mới. Tổ chức bộ máy chính quyền huyện, xã được củng cố dưới hình thức Uỷ ban, Hội đồng. Các xã vùng du kích và cơ sở kháng chiến cũ đã tổ chức lập thôn trưởng các thôn. Các vùng có cơ sở mới thì lập tổ trung kiên. Tuy nhiên Uỷ ban và Hội đồng cấp xã hoạt động chưa đều. Tổ chức quần chúng hoạt động có hiệu quả hơn. Vùng du kích và cơ sở kháng chiến cũ đã tổ chức được các nhóm nhân dân kháng chiến. Nhờ phát động được phong trào tăng gia sản xuất và tiết kiệm, nhân dân đã tự túc được một phần lương thực, đủ sức kháng chiến và đánh thắng giặc đói[2].

- Bước vào Đông Xuân 1952-1953, cục diện chiến trường có nhiều thay đổi có lợi cho ta. Sau 7 năm tiến hành chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp bị sa lầy vào cuộc chiến hao người, tốn của. Dư luận trong nước và trên thế giới ngày càng lên án kịch liệt cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” của thực dân Pháp ở Đông Dương. Ở Kon Plông, địch thay đổi quân, củng cố hệ thống công sự phòng ngự các cứ điểm Măng Đen, Kon Praih; tăng viện cho Kon Praih, Măng Đen, Măng Búk. Địch thường mở các cuộc hành quân tuần tiễu (từ 2 đến 3 cuộc hành quân/1 tháng) trên các tuyến đường từ Kon Praih đến Kon Cheo Leo, Kon Go Lon đi Kon Pom, qua Kon Biêu và Kon Rơ Long (nay thuộc địa bàn huyện Kon Rẫy) về cứ điểm Măng Đen. Chúng bắn súng lớn vào buổi chiều để ngăn trở các hoạt động của lực lượng vũ trang và nhân dân trong vùng; phục kích trên các ngọn đồi gần đồn bốt, bắt người khai thác tin tức; tăng cường các hoạt động chính trị, phát triển tề điệp, với nhiều âm mưu xảo quyệt. Đến nửa cuối năm 1953, địch có nhiều cuộc hành quân xâm lấn với quân số cỡ trung đội, đại đội ở Kon Plông. Tháng 7 năm 1953, địch cho hai đại đội tung đi hai hướng Kon Gop (nay thuộc Đăk Pne, Kon Rẫy) và Kon Pông (nay thuộc xã Măng Búk, huyện Kon Plông) với mục đích thăm dò lực lượng ta và cấy tề điệp. Tháng 10-1953, chúng cho một trung đội nhảy dù xuống Kon Jrăng (thuộc khu Đông mặt trận Miền Tây) lập tề điệp và phát vũ khí cho các ổ vũ trang. Địch cũng mở nhiều hội nghị tề để giao nhiệm vụ và mua chuộc tề (ở Krem); tung gián điệp, gây gián điệp bằng nhiều hình thức: Tổ chức những nhóm 2-3 tên đóng giả dân thường (ở Kon Pông), giả làm lái buôn (ở Đăk Rong), hoặc cho lính giải ngũ về làng để dò la tin tức và lực lượng của ta, hoặc kết hợp với các cuộc hành quân để phát triển mạng lưới tề điệp. Chúng còn lợi dụng những sơ hở của cán bộ ta để chia rẽ cán bộ và nhân dân, người Thượng và người Kinh, gây mâu thuẫn trong đồng bào, kích động trong các vụ phạt vạ, kiện tụng, gây thù hằn; phát súng cho dân để thực hiện ám sát cán bộ cách mạng ở Kon Plông. Chúng vơ vét nhân vật lực của đồng bào như bắt lính, nộp xâu thuế ở Kon Go và các vùng tạm chiếm ở Đăk Pne. Chúng tăng cường phá hoại mùa màng nhằm gây nạn đói, dùng tiền bạc và lương thực dụ dỗ nhân dân vùng du kích, ra sức chiêu an dân trong vùng tạm chiếm, giáp ranh vùng du kích ở Kon Plông.

Trong vùng tạm chiếm ở Kon Plông, địch tung nhiều luận điệu xuyên tạc, xúc tiến mạnh âm mưu vũ trang bằng cách vừa dụ dỗ vừa ép buộc, hoặc dùng mê tín dị đoan để lừa phỉnh nhân dân; xây dựng bọn đầu sỏ phản động, củng cố tề điệp, phát triển mạnh khối "Atum"- khối vũ trang tay sai phản động ở cơ sở từ Kon Plông sang Plei Kon; tăng cường củng cố xây dựng hệ thống chính quyền tay sai.

Trong hai năm 1951-1952, ở hướng Mặt trận Miền Tây, ta đã thu được những thắng lợi quan trọng. Chính quyền các cấp được củng cố; cơ sở và các tổ chức kháng chiến không ngừng phát triển vững mạnh. Hệ thống căn cứ du kích, vùng du kích được hình thành liên hoàn ở phía đông đường 14, bắt đầu từ vùng du kích Đăk Glei, tiếp giáp Đăk Tô, Kon Plông, nối liền với An Khê, Đăk Bớt (Gia Lai)...

Năm 1953, Đảng bộ và quân dân Kon Plông tiếp tục thực hiện cuộc vận động chỉnh huấn, chỉnh Đảng. Qua cuộc vận động này cán bộ đảng viên và chiến sĩ đã nhận thức rõ hơn âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, hiểu sâu hơn đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ. Ở các chi bộ Đảng, nội dung sinh hoạt được chấn chỉnh và tập trung bàn về xây dựng củng cố nội bộ và thực hiện các công tác trọng tâm của Đảng bộ cấp trên. Đảng viên đã có ý thức chăm lo giúp đỡ dìu dắt quần chúng, nâng cao tinh thần đấu tranh. Tinh thần đoàn kết giữa cán bộ, đảng viên và Nhân dân tăng lên. Tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng và Chính phủ, đồng bào các dân tộc đã hăng hái tăng gia phát triển sản xuất làm thêm nhiều ruộng rẫy kháng chiến. Ở Kon Plông Bắc, các xã: Xã Hiếu, Pờ Ê, Đăk Ring, Măng Cành... đã xây dựng được nhà công khai và nhà bí mật, ruộng công khai và ruộng bí mật.

Dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, thiếu thốn "càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan", đến cuối năm 1953, đầu năm 1954, Đảng bộ, quân dân Kon Plông đã tạo đà cho kháng chiến thắng lợi. Đầu tháng 12-1953, Liên khu uỷ và Đảng uỷ tư lệnh Liên khu quyết định: Tập trung toàn bộ quân chủ lực cho nhiệm vụ tấn công lên Tây Nguyên. Giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng địa phương; các chiến trường sau lưng địch đẩy mạnh các hoạt động đánh phá, mở rộng vùng du kích và vùng giải phóng. Giữa tháng 12-1953, Bộ Chính trị đã chuẩn y kế hoạch tấn công lên Tây Nguyên. Kế hoạch tấn công Tây Nguyên được chia làm 2 hướng.

Hướng chính: Bắc Kon Tum (Mặt trận miền Tây). Tại hướng này sẽ sử dụng các Trung đoàn 108, 803 (thiếu một đại đội), Tiểu đoàn 30, Liên đội đặc công, toàn bộ các đơn vị pháo cối, phòng không, phần lớn các đơn vị trinh sát, công binh, thông tin cùng lực lượng địa phương, hình thành thế tiến công theo 2 bước. Bước 1, Trung đoàn 108 và Liên đội đặc công tiêu diệt 2 cứ điểm Măng Đen, Măng Búk, phá vỡ thế phòng thủ của địch, kéo quân viện trợ của chúng từ thị xã Kon Tum ra để Trung đoàn 803 tiêu diệt trên đoạn Kon Praih - Măng Đen. Tiếp đó, các lực lượng này sẽ tiêu diệt Kon Praih, uy hiếp thị xã Kon Tum và đánh quân tiếp viện địch. Buớc 2, sau khi tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, sẽ dùng một bộ phận lực lượng kìm chân địch trên đường 5 (hướng Kon Tum - Kon Praih) và phát triển lực lượng về phía Tây, tiêu diệt toàn bộ hệ thống cứ điểm của địch từ Đăk Tô đến Đăk Glei, giải phóng hoàn toàn Bắc Kon Tum.

Hướng tiến công phụ: Đường 19 - An Khê.

Chấp hành kế hoạch, chủ trương của Liên khu uỷ, Tổng Quân uỷ, Đảng bộ, chính quyền và quân dân Kon Plông đã dồn sức chuẩn bị khẩn trương, tập trung mọi nguồn nhân lực vật lực, phát huy tinh thần tiến công cách mạng, tất cả vì thắng lợi của chiến dịch và cuộc kháng chiến. Lực lượng an ninh của huyện cùng lực lượng của tỉnh và khu đã bảo đảm bí mật cho các cuộc chuyển quân, hậu cần, nghi binh; khống chế tề điệp và bọn tay sai. Lực lượng vũ trang huyện, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ huy Mặt trận miền Tây, đã phối hợp với bộ đội chủ lực liên khu chuẩn bị tác chiến. Đảng bộ, chính quyền huyện đã tổ chức chỉ đạo các đoàn dân công phục vụ chiến trường; động viên tinh thần cho cán bộ đảng viên, chiến sĩ và Nhân dân. Nhiều tên phản động tay sai ở Măng Búk, Vi Ô Lắk, Nước Chè (Đăk Chè), Đăk XLò đã bị bắt giam. Bên cạnh đó, Ban Cán sự huyện Kon Plông còn mở được nhiều hội nghị già làng, thống nhất lực lượng chống Pháp, trấn áp, cảm hóa tề, ngụy, xây dựng chính quyền nhân dân.

Kế hoạch tập kết quân trước giờ nổ súng của ta diễn ra sôi động, khẩn trương theo dự kiến. Tối 19-01-1954, các đơn vị đã về vị trí tập kết chờ lệnh nổ súng. Các lực lượng vận động bằng nhiều hướng, nhưng hướng chính là theo đường Đăk Ui, tập trung tại Kon Xủ[3] (xã Hiếu) cách Măng Đen 20 km. Sở chỉ huy Mặt trận đóng tại xã Măng Cành. Ban chỉ huy đánh đồn Kon Praih được thành lập, gồm các đồng chí Hà Huy Tùy - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 97, Lê Hai (Bí thư Ban cán sự Kon Plông Bắc) và đồng chí chính trị viên Tiểu đoàn 97. Theo kế hoạch, lực lượng vũ trang tuyên truyền, đội công tác gây dựng cơ sở bám sát các làng. Cán bộ vận động Nhân dân phá các ổ GURO trừ gian, củng cố chính quyền sau khi đánh đồn thắng lợi.

Trung tuần tháng 01-1954, công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã hoàn thành. Các đơn vị và lực lượng tham gia đã tập kết đúng nơi quy định, chờ lệnh nổ súng. 23 giờ 23 phút ngày 27-01-1954, chiến dịch bắt đầu. Trên hướng chính Bắc Kon Tum, Tiểu đoàn 19 và Tiểu đoàn 79 (Trung đoàn 108) tấn công cứ điểm Măng Đen - cứ điểm kiên cố nhất và là xương sống cụm cứ điểm của địch ở Bắc Kon Tum, cách thị xã Kon Tum 60 km. Dựa vào công sự kiên cố và hoả lực mạnh, quân đông (3 đại đội địch đồn trú trong cứ điểm), chúng thường huyênh hoang tuyên bố "Bao giờ nước sông Đăk Blà chảy ngược về Đông, mặt trời mọc ở phía Tây, rừng Rơ Nâm hết lá thì Việt Minh mới đánh được Măng Đen”. Địch muốn thu hút bộ đội chủ lực của ta tới cứ điểm này để nghiền nát. Vì vậy, cuộc tấn công cứ điểm Măng Đen diễn ra rất ác liệt suốt 8 giờ liền. Sáng ngày 28-1-1954, ta đã làm chủ trận địa. 

Cùng đêm 27 rạng sáng 28-01-1954, Tiểu đoàn 97 của Mặt trận Miền Tây phối hợp với Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 108) tấn công tiêu diệt cứ điểm Măng Búk; Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 803) hạ đồn Kon Praih.

Chiến thắng Măng Đen, Măng Búk, Kon Praih trên địa bàn Kon Plông có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần quyết định vào thắng lợi của chiến dịch Bắc Tây Nguyên trong Đông - Xuân 1953-1954. Hệ thống phòng thủ của địch ở Kon Plông và toàn bộ vùng Bắc Tây Nguyên sụp đổ. Cánh cửa tiến vào Bắc Tây Nguyên mở toang. Chiến thắng Măng Đen, Măng Búk, Kon Praih tạo thời cơ thuận lợi để tiến lên giải phóng Kon Plông, thị xã Kon Tum, vùng Đông Bắc Kon Tum và toàn tỉnh.

Chương IV: Đảng bộ chuyển hướng tổ chức, đấu tranh giữ gìn và phát triển lực lượng (1954 -1960)

Tập trung làm rõ các vấn đề:

1.    Chuyển hướng tổ chức, đấu tranh giữ gìn lực lượng

Phong trào đấu tranh của quần chúng trong huyện lúc này có sự hướng dẫn của cán bộ, đảng viên, góp phần xứng đáng trong việc thực hiện chủ trương củng cố, giữ gìn lực lượng cách mạng trên địa bàn.

2. Đấu tranh chống tố cộng, diệt cộng; xây dựng và mở rộng căn cứ, giữ vững và phát triển phong trào

Tại địa bàn huyện đã thực hiện được một bước chủ trương giữ gìn và phát triển lực lượng. Phong trào cách mạng được duy trì, giữ vững, vùng căn cứ được củng cố về mọi mặt. Các chi bộ đã phát triển về số lượng và chất lượng, tạo cơ sở vững chắc cùng toàn tỉnh Kon Tum, Tây Nguyên chuyển sang thế tiến công nổi dậy từng phần.

3.    Chuyển phong trào lên thế tiến công

- Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ H29 được tổ chức tại làng Nước Nót, xã Đăk Xlò vào cuối năm 1960. Khẩu hiệu của Đại hội là "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh !".

- Ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào cách mạng miền Nam, là nguồn động viên, đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân yêu nước đấu tranh chống chế độ Mỹ-Diệm tàn ác, vì giải phóng miền Nam, độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Cùng các huyện trong tỉnh Kon Tum. Huyện H29 đã tiến hành Đại hội đoàn kết dân tộc, động viên quân, dân quyết tâm chống Mỹ, cứu nước, đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ-Diệm và cử đại biểu tham dự Đại hội đoàn kết dân tộc toàn tỉnh. Ngày 03-01-1961, tại làng Đăk Pét, xã Đăk Rơ Manh (nay là xã Ngọk Tem), Đại hội đoàn kết dân tộc của tỉnh Kon Tum đã khai mạc. Có 300 đại biểu tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc tỉnh Kon Tum đã về dự. Đại hội đã khẳng định quyết tâm của nhân dân toàn tỉnh Kon Tum, trong đó có nhân dân Kon Plông đoàn kết đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ-ngụy. Đại hội đã bầu Ủy ban phong trào dân tộc tự trị tỉnh, bầu đại biểu đi dự Đại hội lần thứ nhất phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên (thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam).

Từ đây phong trào đấu tranh của nhân dân Kon Plông cùng nhân dân toàn tỉnh Kon Tum đã được tập hợp vào một mặt trận đoàn kết, thống nhất ngày càng được củng cố, mở rộng và phát huy sức mạnh to lớn trong những ngày tháng tiếp tục của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Chương V: Đảng bộ lãnh đạo góp phần đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” (1961 -1972)

Tập trung tuyên truyền và làm rõ:

- Tinh thần, thái độ của quân và dân huyện Kon Plông;

- Sự sáng tạo, linh hoạt trong công tác lãnh đạo Nhân dân tham gia kháng chiến của Đảng bộ huyện. Đó là:

1. Lãnh đạo quân dân trong huyện góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy

Đây là giai đoạn gian khổ và quyết liệt nhất tại địa bàn huyện. Trong những năm 1961-1965, Đảng bộ quân dân H29 đã giành được nhiều thắng lợi trong đấu tranh làm thất bại âm mưu bình định, gom dân lập ấp chiến lược của Mỹ-ngụy, giữ vững được khu căn cứ, giải phóng. Thành tích nổi bật là xây dựng được căn cứ ở 09 xã, 42 làng gồm: xã Đăk Nên, Nước Ly, Đăk Rơ Manh, Nước Chờ, Nước Tem, Đăk XLò, Măng Cành, Pờ Ê, Măng La (Hiếu), tổng số dân khoảng hơn 6.000 người.

 Lực lượng vũ trang địa phương được Đảng bộ H29 chú trọng xây dựng, trên địa bàn huyện có 1 trung đội bộ đội huyện. Bộ đội huyện đã làm tốt nhiệm vụ phối hợp với du kích chống càn quét, bảo vệ vững chắc căn cứ và tích cực tham gia công đồn, phá ấp chiến lược giải phóng dân. Bộ đội làm nòng cốt cho phong trào chiến tranh du kích phát triển. Trên mặt trận sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân, nuôi quân đánh giặc, những năm 1964-1965 những xã thuộc căn cứ H29 là những địa phương có thành tích nổi bật của tỉnh Kon Tum.

Đảng bộ đã quan tâm xây dựng, củng cố chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng. Tại các xã có Ủy ban dân tộc giải phóng xã, Ủy ban cử ra một bộ phận thường trực làm công tác chính quyền là Uỷ ban nhân dân tự quản xã. Ở huyện có Ủy ban Mặt trận (tên đầy đủ là Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng), bộ phận thường trực làm công tác chính quyền huyện là Uỷ ban nhân dân tự quản huyện. Các đoàn thể, tổ chức quần chúng được thành lập như Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng, Hội phụ nữ, các tổ đổi công, tổ vần công hợp tác... là các cơ sở để tập hợp quần chúng nhân dân, thực hiện các chủ trương của Đảng bộ, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của huyện. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các đoàn thể quần chúng nhằm phát huy tính tích cực, năng động, tinh thần cách mạng của các tầng lớp Nhân dân, xây dựng căn cứ địa vững chắc, quyết tâm vươn lên làm chủ núi rừng.

Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế nhất định: xây dựng, phát triển lực lượng bộ đội huyện còn chậm; chưa đạt được những thành tích nổi bật trong phát triển giáo dục, xoá mù chữ cho nhân dân ở khu căn cứ....Đảng bộ, quân dân trong Huyện đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của Tỉnh, của Tây Nguyên và toàn miền Nam, phá sản hoàn toàn chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ-ngụy, tạo nền tảng vững chắc vật chất, tinh thần cho những thắng lợi tiếp theo.

2.    Góp phần đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ- ngụy

Trong giai đoạn nay,  Đảng bộ H29 đã phát động tinh thần quyết tâm thắng Mỹ trong toàn cán bộ, đảng viên, bộ đội, du kích và đồng bào trên địa bàn Huyện; củng cố, xây dựng lực lượng chính trị và cơ sở vững mạnh; phát triển các làng xã chiến đấu liên hoàn; tổ chức các vành đai diệt Mỹ nơi chúng đóng quân. Cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang, bán vũ trang của huyện còn thực hiện "4 bám" “Đảng bám dân; dân bám đất; du kích, bộ đội bám địch; cấp trên bám cấp dưới”;  xây dựng các lõm chính trị giáp ranh giữa vùng căn cứ với vùng địch chiếm, giữa huyện và thị xã; ra sức củng cố căn cứ bàn đạp ở H29.

 Trong tổng tiến công Mậu Thân 1968, một nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ, quân dân Kon Plông là đảm nhiệm tốt vai trò hậu phương, tăng cường sức người, sức của chi viện cho thị xã và các nơi khác nổi dậy; chuẩn bị lương thực, cất giữ súng đạn, góp phần đánh thắng chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ-ngụy. Để giữ vững căn cứ, hoàn thành nhiệm vụ của hậu cứ, các Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, đóng góp lương thực nuôi quân ở H29, phong trào có bước phát triển mới. Sản xuất lương thực của huyện tiến vọt; về sức người, sức của phục vụ cho phía trước được huyện huy động đến mức cao nhất.

Lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thiên tai thường xuyên đe doạ, điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn, nên trong những năm 1965-1968, Đảng bộ có một số mặt thiếu sót, hạn chế nhất định. Một số uỷ viên chưa nắm vững, quán triệt phương châm chiến lược của Đảng, chưa nhận thức rõ về tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong Tết Mậu Thân 1968. Công tác phát triển Đảng ở một số nơi có lúc còn chậm, nên 6 tháng đầu 1968, số lượng đảng viên tăng không kịp bù vào số hy sinh hoặc điều chuyển... Năm 1967, H29 có 198 đảng viên thì đến 1968 chỉ còn 193 đồng chí. Đảng viên 4 tốt còn ít, đảng viên kém còn chiếm tỷ lệ cao. Việc tuyên truyền, nâng cao cảnh giác trong Nhân dân có lúc còn chưa cao, nên một số đồng bào chưa tích cực trong công tác phòng gian, bảo mật; chưa thực sự góp ý xây dựng cho cán bộ, đảng viên.

 Sự lớn mạnh của Đảng bộ là hạt nhân để chính quyền và các đoàn thể quần chúng cũng được củng cố; phong trào cách mạng của Nhân dân không ngừng phát triển; hậu phương, căn cứ kháng chiến ngày càng vững chắc hơn... Đó là thế và lực hết sức quan trọng, là tiền đề vật chất, tinh thần làm nên thắng lợi của Đảng bộ, quân dân Kon Plông trong những năm chống chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ-ngụy và hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị mọi mặt để bước sang giai đoạn cách mạng mới, tiến tới giải phóng quê hương.

3. Góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”

 Âm mưu của địch rất xảo quyệt, với âm mưu dùng người địa phương (người tại chổ) đánh phá phong trào cách mạng địa phương, chúng ra sức củng cố bộ máy kèm kẹp ở xã, ấp, chủ yếu do bọn kèm kẹp tại chỗ, những tên tay sai ác ôn lâu nay bị quần chúng vạch mặt, chúng chuyển hoạt động mật bằng hợp pháp hoá là thôi việc, nhưng thực chất vẫn còn làm việc cho địch như ở dọc đường 5, Măng Búk; tập hợp phe phái phản động FULRO, bọn phản động trong tôn giáo hoạt động tuyên truyền nói xấu cách mạng, xuyên tạc là Mỹ rút, người dân tộc ta phải đứng lên tự trị, chống cộng; tuyên truyền hoà bình bịp bợm để lôi kéo, chia rẽ giữa người kinh và người dân tộc thiểu số, làm cho quần chúng trong vùng địch hiểu lầm. Chúng cố tìm mọi cách bảo vệ bọn tay sai ác ôn người dân tộc thiểu số ở tại ấp, xã.

Đồng thời với các hoạt động quân sự, địch tung biệt kích, thám báo thâm nhập vùng căn cứ ta, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, chiêu hàng. Chúng còn dùng những âm mâu thâm độc như đánh vào kinh tế, thực hiện chính sách chỉ bán gạo cho những gia đình ngụy; không cho người dân tộc ở các ấp chiến lược được làm nương rẫy, buộc dân đói phải đi lính... Thâm độc hơn, chúng dùng thủ đoạn doạ dẫm, “bôi đen” gây nghi kị, chia rẽ trong quần chúng.

Về tình hình của huyện H29 giai đoạn này: nhiều cơ sở ta bị vỡ, một số cán bộ bị địch bắt, một số khác nằm im không hoạt động. Công tác xây dựng cơ sở, giành dân, giữ đất gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình trên, Trung ương Cục, Quân ủy Miền đã có những chỉ thị, biện pháp khẩn cấp cho Tỉnh uỷ Kon Tum và các huyện uỷ khắc phục tình trạng trên để củng cố tổ chức và gây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch. Lúc này, trên địa bàn H29, tình hình địch, ta được phân ra ba vùng rõ rệt: vùng căn cứ do ta kiểm soát, vùng bị địch chiếm đóng và vùng tranh chấp giữa địch và ta. Vùng căn cứ H29 có 09 xã, 54 thôn và 4.201 dân, 08 tổ chức cơ sở đảng và 148 đảng viên, cụ thể: Đăk Nên (8 thôn, 573 dân, 16 đảng viên); Đăk Chờ (3 thôn, 179 dân, 17 đảng viên); Đăk Ly (6 thôn, 418 dân, 16 đảng viên); Rơ Manh (5 thôn, 264 dân, 16 đảng viên); Đăk Lò (5 thôn, 476 dân, 19 đảng viên); Măng Cành (7 thôn, 300 dân, 19 đảng viên); Măng La (7 thôn, 578 dân, 21 đảng viên); Pờ Ê (7 thôn, 801 dân, 24 đảng viên); Đăk Long (6 thôn, 612 dân)[4].

Trước chiến lược chiến tranh mới tàn bạo và thâm độc của đế quốc Mỹ, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào một thời kỳ chiến đấu mới đầy khó khăn và phức tạp. Những âm mưu, hoạt động của địch đã gây nên nhiều thiệt hại về người và của cho đồng bào trong huyện; đời sống nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong huyện gặp khó khăn, đói cơm, lạt muối. Phong trào cách mạng đứng trước những khó khăn và thách thức mới.

Đến ngày 10-02-1969, Tỉnh uỷ quyết định mở chiến dịch diệt ác toàn tỉnh, nhằm diệt ác, phá kèm, làm tan rã hàng ngũ địch, nâng cao khí thế quần chúng trong vùng địch còn kiểm soát lên một bước, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy thực hiện nhiệm vụ giành dân làm chủ... Tiếp tục đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị, binh vận lên một bước mới. Ngày 22-02-1969, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân huyện H29 đã tổ chức tấn công tiêu diệt các cứ điểm tại Măng Đen, Măng Búk, góp phần cùng nhân dân toàn tỉnh ra quân đồng loạt tấn công các cứ điểm của địch tại thị xã Kon Tum, Đăk Tô, Tân Cảnh và Đăk Pék. Chỉ đạo của Tỉnh ủy đã trở thành phương châm hành động của quân và dân trong huyện, tấn công các mục tiêu kìm kẹp, giữ đất, giành dân; tinh thần kháng chiến, sản xuất phục vụ kháng chiến của quần chúng ở xã, thôn được nâng lên.

Quán triệt chủ trương của Trung ương, Khu uỷ và Tỉnh uỷ, căn cứ vào tình hình địa phương, Đảng bộ huyện H29 xác định nhiệm vụ: đẩy mạnh đánh địch, diệt ác phá kìm kẹp, giành dân, làm chủ. Tăng cường công tác tư tưởng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong vùng căn cứ. Vận động đồng bào các dân tộc trong huyện nỗ lực thi đua xây dựng chính quyền ở vùng căn cứ giáp ranh. Nâng cao giác ngộ chính trị cho quần chúng, kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, đánh bại chiến tranh tâm lý, dụ dỗ chiêu hàng của địch. Củng cố các tổ chức xã, thôn vững mạnh, xây dựng củng cố chi bộ, chi đoàn, lực lượng an ninh, du kích thực hiện sự đoàn kết nhất trí về tư tưởng chính trị. Huyện ủy H29 nhận định: tình hình địch trên địa bàn huyện đã hoang mang, dao động, rệu rã cả về tư tưởng và tổ chức, nhưng lực lượng kẹp cơ sở vẫn gây trở ngại cho ta trong việc giành và giữ dân, do có những tên ác ôn, nếu chúng ta đánh mạnh diệt ác ôn thì cả ngụy quân, ngụy quyền có khả năng tan rã nhanh chóng.

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục của Đảng bộ huyện, nhân dân huyện H29 được rèn luyện, thử thách nên không nghe theo âm mưu của địch về quét và giữ; phong trào nhân dân du kích trong huyện luôn được giữ vững ở mức cao; phong trào quần chúng diệt ác ôn, diệt tề, diệt chỉ điểm được đẩy mạnh và phát triển; nhiều mặt công tác được duy trì như bảo vệ căn cứ; hành lang các tuyến giao thông H16 đi H80, H16 đi H29, H16 đi H40 được bảo vệ, duy trì.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Kon Tum, công tác xây dựng Đảng ở huyện H29 đặc biệt được đẩy mạnh. Các đảng bộ vững mạnh về mọi mặt, lãnh đạo phong trào phát triển toàn diện, góp phần đánh bại kế hoạch bình định, gom dân của địch, góp phần vào những thắng lợi to lớn ở Kon Tum cũng như toàn miền Nam trong năm 1972, làm thất bại chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của đế quốc Mỹ.

Chương VI: Lãnh đạo đấu tranh chống địch lấn chiếm, xây dựng vùng căn cứ giải phóng huyện H29, góp phần giải phóng thị xã và toàn tỉnh Kon Tum (1973 – 1975)

Tập trung làm rõ nhiệm vụ:

1. Chống địch lấn chiếm, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ giải phóng

Địa bàn huyện H29, địch chiếm đóng một số nơi dọc đường số 5, các cứ điểm Măng Đen, Măng Búk... Dân trong các ấp hầu hết đều bị địch kìm kẹp chặt. Lực lượng kìm giữ chủ yếu là địa phương quân và phòng vệ dân sự. Đối với 2 cụm cứ điểm Măng Đen, Măng Búk, hệ thống binh lực địch còn khá mạnh, trong đó Măng Búk là địa bàn quận lỵ của địch được bố trí 01 tiểu đoàn quân chủ lực có 348 tên (D282), bao gồm cả một trung đội thám báo và 69 tên dân vệ do tên Tố làm quận trưởng kiêm tiểu đoàn trưởng, tên Vinh quận phó kiêm tiểu đoàn phó. Lực lượng địch bố trí ở cứ điểm Măng Đen khoảng 300 tên. Cả hai khu vực Măng Búk và Măng Đen địch vẫn kiểm soát khoảng 4.870 dân.

Mặt khác, quân ngụy còn dùng lực lượng cảnh sát, thám báo, biệt kích, ngụy quyền kết hợp hoạt động giữa quân sự với chiến tranh tâm lý, tuyên truyền xuyên tạc Hiệp định Pari để kẹp dân, kẹp lính trong vùng. Chúng rêu rao, bôi nhọ, nói xấu phía ta rằng có hoà bình là do chúng thắng; miền Bắc không rút quân, Việt cộng còn ở Măng Búk thì không có tự do dân chủ, phải chuẩn bị đánh nhau... Các hoạt động gián điệp, biệt kích, thám báo của địch dấn bước đi vào chiều sâu dưới dạng cài cấy gián điệp, nằm im núp kín, không phô trương lộ liễu, giả dạng dân để thông qua tiếp xúc nắm tình hình, thừa lúc ta sơ hở thì tổ chức lực lượng đánh úp. Vùng căn cứ Giá Vụt của địch ở Quảng Ngãi giáp căn cứ H29 đã 02 lần lùng ra đánh úp ta ở ven xã Pờ Ê. Bọn địch ở Kô Chát, Kon Pết còn thọc ra vùng Kon PLinh (xã Hiếu) để thăm dò tình hình ta. Quanh các đồn Măng Búk, Măng Đen, dọc đường 5, địch thường xuyên dùng lực lượng từ 01, 02 tiểu đội đến 01 trung đội đi càn lùng để bảo vệ các cứ điểm, phát hiện đường ta ra vào gài mìn phục kích. Địch còn dùng trực thăng vũ trang quần sâu vào vùng giải phóng giáp ranh của ta như khu vực làng Nước Meo, ruộng Kô Chát... để đánh dấu nhằm giành đất.

Song song với các hoạt động, quân địch ra sức củng cố bộ máy ngụy quân, ngụy quyền từ quận đến xã, dưới xã có hệ thống ấp, liên gia, trong đó có quận Măng Búk. Địch thành lập tiểu đoàn 282 vào đầu năm 1973, biên chế thành 03 đại đội bảo an, 01 đại đội dân vệ chốt giữ ở Măng Búk. Bên cạnh hệ thống ngụy quyền, địch còn tổ chức các hệ thống hỗ trợ như: bình định phát triển nông thôn (gồm 35 đội và mỗi đội 30 tên), cục cảnh sát, cơ sở dân vận. Đồng thời, chúng phát triển mạnh các đảng phái phản động, các thành phần phản động trong tôn giáo, sắc tộc, FULRO, gây chiến tranh tâm lý và mạng lưới mật vụ sát từng liên gia. Chúng sáp nhập dân 4 xã trong khu vực quận lỵ Măng Búk thành 03 xã: Tăng Gô, Mang Bông, Ngọk Đỏ gồm 7 ấp (3.350 dân). Bên ngoài quận lỵ, địch đóng 08 chốt điểm kiểm soát. Tại Măng Đen, địch bố trí 03 đại đội bảo an (300 tên) đóng giữ thành 04 ấp với khoảng 2.300 dân.

Trong tình hình mới, Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo các huyện trong tỉnh giữ vững, phát triển thế bao vây, tấn công, chia cắt địch, tranh thủ lòng dân đẩy mạnh binh tề vận, ra sức xây dựng thực lực cách mạng tại chỗ, khẩn trương nỗ lực xây dựng vùng căn cứ và vùng giải phóng lên mạnh, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu khiêu khích nống lấn của địch. Thực hiện chỉ đạo của Khu ủy và Tỉnh ủy, Huyện ủy H29 đều có các cuộc họp nhận định, phân tích tình hình địch, ta ở mỗi địa bàn và nhận thấy: thế và lực giữa địch và ta ở cả hai huyện đều có sự thay đổi lớn. Địch chỉ còn co cụm ở khu vực đường số 5 và các cụm cứ điểm Măng Đen, Măng Búk, trong tình trạng cô lập, trên đà hoang mang, lo sợ ta tấn công. Tuy địch còn đông quân, phương tiện chiến tranh còn nhiều, bọn chỉ huy ác ôn còn nhiều mưu mô xảo quyệt, nhưng tinh thần chung của lính ngụy đều trong tình trạng sa sút, chán ngán chiến tranh. Giữa ta và địch hình thành 02 vùng, 02 chính quyền, 02 quân đội, nên địch dễ vi phạm hiệp định, khiêu khích chống phá ta. Do đó, ta cần phải nhận định được tình hình, âm mưu của địch, đề cao cảnh giác đấu tranh buộc địch thi hành hiệp định, giữ vững hoà bình. Từ đó, Đảng bộ xác định nhiệm vụ hàng đầu “Đấu tranh buộc địch thi hành hiệp định Pa-ri, giữ gìn hòa bình, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn kéo xúc dân, phản kích lấn chiếm của địch ở các cụm cứ điểm”. Huyện ủy yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phát động quần chúng bằng các hình thức và nội dung thích hợp cho từng vùng, từng đối tượng nhằm làm cho mỗi người dân ở vùng địch nhận rõ kẻ thù chính và nguy hiểm hiện tại là Mỹ và ngụy, trực tiếp là ngụy.

Tinh thần quần chúng nổi dậy đấu tranh chống kềm kẹp của địch ngày một mạnh. Đó là điều kiện thuận lợi cho ta tấn công tiêu diệt hai cứ điểm mạnh, quan trọng của địch khi thời cơ đến.

2. Tăng cường xây dựng, phát triển vùng căn cứ, giải phóng

Quán triệt chủ trương của tỉnh, ngay từ đầu năm 1973, Thường vụ Huyện uỷ H29 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc kiện toàn, xây dựng và phát triển các vùng căn cứ. Nghị quyết Đại hội cán bộ huyện H29 đầu năm 1973 đã nêu rõ nhiệm vụ   “Khẩn trương xây dựng căn cứ tiến lên hoàn chỉnh, vững mạnh về mọi mặt, cơ bản đạt được các mục tiêu của tỉnh đã đề ra: Chính trị vững chắc, quân sự mạnh mẽ, kinh tế giao thông vận tải phát triển, văn hoá xã hội, y tế tiến bộ. Trọng tâm là chiến đấu tấn công địch và sản xuất, gắn chặt với mở rộng giao thông, vận tải, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, cán bộ chiến sỹ và phục vụ liên tục tấn công địch quyết liệt ở Măng Búk, Măng Đen, giành thắng lợi trong mọi tình huống”.

3. Tiêu diệt các cứ điểm Măng Đen, Măng Búk, giải phóng huyện H29

Sang năm 1974, địch ở huyện H29 vào thế phòng ngự. Toàn bộ binh lực địch co cụm phòng giữ ở hai cứ điểm Măng Đen và Măng Búk với 02 tiểu đoàn bảo an, 02 đại đội dân vệ, 02 khẩu pháo, một số biệt kích, cảnh sát, thám báo và phòng vệ dân sự. Tất cả khoảng trên 500 tên. Địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu lấn chiếm và bình định. Chúng ra sức củng cố hệ thống phòng ngự kiên cố tại các trung tâm, các cứ điểm ở thị xã Kon Tum, Đăk Pék, Măng Đen, Măng Búk... Tại Măng Búk, địch tổ chức thành một quận do thiếu tá Trần Lới làm quận trưởng. Đây là căn cứ của Tiểu đoàn bảo an 281. Tại Măng Đen địch tổ chức thành quận Chương Nghĩa.

Tại Măng Đen, lúc này có bộ máy quận lỵ Chương Nghĩa, địch chia lực lượng thành 02 khu đóng giữ sát sân bay, có 06 trung đội dân vệ xây chốt phòng giữ các ấp. Tại Măng Búk, địch bố trí thành 04 đồn chốt bên ngoài và một khu trung tâm, sân bay để bảo vệ quận lỵ. Công sự ở các đoạn, chốt và khu trung tâm đều làm ngầm dưới đất. Mỗi đồn chốt đều xây trên một quả đồi, có thể chi viện hỏa lực cho nhau. Quanh chốt có nhiều lớp rào thép gai, rào cây gỗ to và các ụ súng phối hợp với bãi mìn. Địch ra sức củng cố bộ máy ngụy quyền tại Chương Nghĩa và quận lỵ Măng Búk. Với phương châm quân sự kiểm soát dân sự, chúng đưa một số sỹ quan ra làm xã trưởng, ấp trưởng. So với năm 1973 chúng rút gọn bộ máy xã lại còn 6 xã. Ở các ấp, địch còn củng cố các tổ chức kềm kẹp công khai, bí mật, ngày đêm theo dõi từng gia đình, từng người dân, kể cả lính ngụy.

Tuy trong thế phòng ngự nhưng địch vẫn dùng mọi thủ đoạn thâm độc xảo quyệt để kềm kẹp dân và chống phá ta quyết liệt. Biết BRô là người có móc nối quan hệ với ta, chúng bắt bỏ tù. Đầu năm 1973, chúng nghi ngờ tên Tố, quận trưởng Măng Búk có thái độ lừng khừng nên đã chuyển đi nơi khác, đưa tên thiếu tá Trần Lới về thay thế làm quận trưởng. Nhiều tên chỉ huy binh lính gian ác được tăng cường đến để tiếp sức cho Măng Búk. Địch tiến hành nhiều cuộc hành quân cảnh sát ra vùng Kon Kleng, Kon KLâng và lùng sục ven vùng giải phóng ở Nước Chờ, Măng La nhằm đánh phá ta, kẹp dân, xúc dân. Mặt khác chúng tiếp tục dùng thủ đoạn chiến tranh tâm lý sâu độc hơn, vừa dụ dỗ, mua chuộc, lừa phỉnh, vừa hù dọa khủng bố, khống chế, cắm chống gài mìn chung quanh, nhốt chặt dân không cho ra khỏi ấp và đưa bọn tay sai ác ôn lùng và kẹp dân. Hầu hết dân trong vùng địch ở hai khu vực Măng Đen và Măng Búk bị địch kẹp rất chặt; mọi sự giao lưu tiếp xúc với bên ngoài đều bị ngăn cấm. Địch ra sức giành giật dân với ta ở vùng Kon Kleng, Kô Chát một cách quyết liệt. Tháng 5/1974, khi ta giải phóng Đăk Pết, chúng đã xúc tát dân ở Măng Đen, Măng Búk một cách ồ ạt đưa về phía Tây Nam thị xã Kon Tum, Gia Lai, Phú Bổn.

Đối với vùng căn cứ ta, địch có giảm cường độ hoạt động tấn công. Thỉnh thoảng, bọn biệt kích, thám báo có lùng ra vùng ven, thông qua các đầu mối có hoạt động chiến tranh tâm lý xuyên tạc, hù dọa quần chúng. Trong 6 tháng đầu năm 1974, chúng tiến hành bắn phá một số nơi ở xã Pờ Ê, Măng La, Kon Kleng. Ngoài ra chúng còn dùng máy bay các loại C47, OV10 quần lượn để do thám tình hình, nhất là trên tuyến hành lang ô tô của ta.

Tuy có những âm mưu và hành động thâm độc, nhưng về cơ bản địch trên đà thế suy yếu, bị ta bao vây cô lập. Tinh thần binh lính phần đông đều sa sút. Bọn Bảo an chỉ lo cố thủ trong hệ thống các công sự và chốt điểm. Việc quản lý và kẹp dân trong các ấp đều do bọn ngụy quyền và tay sai cơ sở đảm nhiệm. Lính nghĩa quân được giao kềm kẹp dân, nhưng đa số đều chán chường, dao động. Nội bộ địch có sự mâu thuẫn giữa bọn chỉ huy gian ác với một số binh lính và nhân viên ngụy quyền... Đã xuất hiện nhiều trường hợp lính đào ngũ và sự nổi lên đấu tranh quyết liệt của quần chúng.

Trước tình hình đó, Huyện uỷ H29 chỉ đạo cán bộ, quân dân trên địa bàn nắm vững phương châm "Tấn công trong xây dựng", chuyển mạnh phong trào ra tuyến trước, giữ vững tinh thần và ý chí tấn công, tạo thế vây ép địch và sẵn sàng tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm địch khi thời cơ đến. Quán triệt sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, các lực lượng tuyến trước của H29 tích cực bám trụ các địa bàn, liên tục tấn công địch bằng 3 mũi giáp công: vũ trang, chính trị, binh vận. Những tháng đầu năm 1974, ta đã tạo điều kiện đưa một số dân móc nối được trong vùng địch ra vùng căn cứ. Đặc biệt, bằng sự kết hợp linh hoạt 3 mũi giáp công liên tục đánh địch có hiệu quả, ta đã giành được 369 dân vùng Kon KLeng, phát động họ cùng đấu tranh chống địch bắt dân đi nơi khác và đưa vùng này lên thành xã giải phóng. Phía Măng Đen, đội công tác cùng với Đại đội đã sáp vào ấp Kon Tơ Năng gặp gỡ và giáo dục nhiều người dân ở trong ấp. Dân nghe theo cán bộ cách mạng đấu tranh với địch ra xa ấp làm ăn. Hướng Kô Chát các lực lượng cách mạng vẫn liên tục gặp được dân. Trong tháng 5/1974, 150 người dân và 5 lính ngụy ở đây đã được cách mạng gặp và tuyên truyền. Đặc biệt ấp trưởng và ấp phó trong vùng cũng đã chủ động tìm gặp lực lượng giải phóng và chịu sự giáo dục của ta. Thực lực cách mạng tại chỗ trong vùng địch kiểm soát ngày càng tăng lên. Thông qua đó, các lực lượng ta đẩy mạnh tấn công binh vận bằng các biện pháp gặp dân, gặp binh lính và gia đình ngụy quân, ngụy quyền để tuyên truyền vận động họ thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc; thông qua họ để thuyết phục cảm hoá binh lính trong hàng ngũ địch cùng thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm 1974, tại Măng Búk có 19 lính và tề rời bỏ hàng ngũ địch mang theo 10 súng và 900 viên đạn các loại về với cách mạng. Đi đôi với phương thức trên, các lực lượng còn tìm cách thâm nhập vào các ấp, đồn địch rải truyền đơn, thư kêu gọi và dùng loa để tuyên truyền về chủ trương chính sách của cách mạng, kêu gọi binh lính và tề, ngụy bỏ hàng ngũ về với cách mạng.

Cùng với công tác binh tề vận, các lực lượng vũ trang và du kích địa phương thường xuyên tuần tra vùng giáp ranh và các tuyến hành lang để phát hiện, tấn công bọn địch càn lùng và bọn biệt kích, thám báo quấy phá. Tháng 5-1974, tại vùng giáp ranh với địch ở vùng Măng Đen, du kích xã Măng La đã đánh tiêu diệt gọn tiểu đội địch càn lùng, thu một số vũ khí. Lực lượng vũ trang H29: bộ đội huyện, du kích các xã, trong 6 tháng đầu năm 1974 đã đánh 38 trận, diệt 37 tên địch, làm bị thương 25 tên, thu 07 súng, 02 mìn, bắt sống được 02 tên ác ôn.

Giữa năm 1974, Tỉnh uỷ Kon Tum và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) đã phân tích đánh giá tình hình địch, ta trên chiến trường Bắc Tây Nguyên (Kon Tum) và có chủ trương tấn công tiêu diệt các cứ điểm của địch còn đóng sâu trong vùng ta nhằm mở rộng và hoàn chỉnh vùng căn cứ giải phóng của tỉnh Kon Tum. Mục tiêu chính là 3 cứ điểm Đăk Pék, Măng Đen, Măng Búk. Thực hiện chủ trương trên, ngày 15-5-1974, ở phía bắc Kon Tum các lực lượng ta tấn công tiêu diệt chi khu quân sự và quận lỵ Đăk Pék gây tác động lớn, làm cho tinh thần địch ở Măng Búk hoang mang dao động mạnh. Trong đà thuận lợi đó, Tỉnh ủy Kon Tum và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định bố trí lực lượng Sư đoàn 10 cùng với quân dân địa phương tấn công tiêu diệt 2 cụm cứ điểm Măng Đen, Măng Búk.

Khi nhận được tin trên, quyết định tấn công tiêu diệt các cứ điểm địch tại Măng Đen, Măng Búk. Toàn Đảng bộ và quân dân huyện H29 huy động mọi nguồn lực ở địa phương, chuẩn bị trận địa, tích cực tham gia cùng các lực lượng của tỉnh, huyện bạn (H16, H80) và bộ đội chủ lực Sư 10, thực hiện bao vây và tấn công địch. Tại Măng Búk, từ ngày 11-6-1974, các lực lượng áp sát vào khu vực quận lỵ, diệt địch lùng sục, bắn máy bay, pháo kích, diệt các chốt vòng ngoài; đồng thời gọi loa và tung truyền đơn vào bên trong, tạo thế bao vây uy hiếp địch. Tiếp đến từ ngày 15 đến ngày  20-8-1974, lực lượng ta từ các hướng đồng loạt tấn công vào khu trung tâm các đồn, chốt điểm của địch. Sự kháng cự của địch nhanh chóng bị quân ta đè bẹp. Đến chiều ngày 20-8-1974, ta hoàn toàn giải phóng Măng Búk. Sau đó ta tiếp tục truy kích địch, bắt tù binh, tận thu chiến lợi phẩm; tìm gặp và ổn định dân, triển khai các lực lượng bảo vệ vùng mới giải phóng.

Tiếp tục thực hiện chủ trương đánh địch mở rộng vùng giải phóng, quân chủ lực Mặt trận Tây Nguyên được lệnh tấn công tiêu diệt cứ điểm Măng Đen. An ninh vũ trang huyện H29 đã phối hợp với bộ đội địa phương truy quét vòng ngoài, phát hiện và tiêu diệt các toán thám báo biệt kích từ căn cứ Măng Đen. Ngày 03-10-1974, lực lượng vũ trang huyện H29 cùng với lực lượng H16, bộ đội chủ lực Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) và một số binh chủng kỹ thuật nổ súng tấn công tiêu diệt cứ điểm nằm phía tây của hệ thống phòng ngự Măng Đen (M11); bao vây tấn công tiêu diệt lần lượt từng cứ điểm trong cụm cứ điểm Măng Đen. Với quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, sau gần một ngày chiến đấu quyết liệt, lực lượng quân giải phóng đã đè bẹp mọi sự kháng cự của địch, chiếm lĩnh và làm chủ hoàn toàn cứ điểm Măng Đen. Sau 9 ngày liên tục chiến đấu, đến ngày 12-10-1974, quân ta đã làm chủ Măng Đen, giải phóng 1.920 dân. Các lực lượng ta đã tiêu diệt và bắt sống Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Bảo an 254 ngụy (226 tên địch bị tiêu diệt, 168 tên bị bắt sống), trong đó có tên trung tá chỉ huy trưởng và 25 sĩ quan khác của địch, ta thu 539 khẩu súng, hai khẩu pháo 105 ly, 33 máy vô tuyến điện, giải phóng hơn 2.000 dân ở đây.

Hai cứ điểm mạnh Măng Đen, Măng Búk của địch bị ta tiêu diệt làm cho bọn địch ở khu vực đường số 5 hoảng sợ rút về co cụm phòng giữ một số chốt điểm ở vùng đông bắc thị xã Kon Tum, huyện H29 hoàn toàn được giải phóng.

Ngay sau khi tiêu diệt các cứ điểm Măng Đen, Măng Búk, Tỉnh uỷ Kon Tum đã có quyết định thành lập Ban quân quản tại các khu vực Măng Đen, Măng Búk vừa được giải phóng. Thành phần Ban quân quản gồm: 02 đồng chí cán bộ tỉnh, 02 cán bộ huyện. Các Ban quân quản đã nhanh chóng chỉ đạo, tổ chức lực lượng thu dọn, quản lý và bảo vệ chiến lợi phẩm trong các đồn bốt của địch; đồng thời bố trí lực lượng bảo vệ tài sản của Nhân dân trong các ấp, tổ chức sơ tán dân, đưa về vùng căn cứ của huyện đề phòng địch ném bom, kịp thời trợ cấp nhu yếu phẩm cần thiết: lương thực, thực phẩm, vải, quần áo, để ổn định đời sống Nhân dân.

Sau chiến thắng Đăk Pék, Măng Đen, Măng Búk, địch ở Kon Tum bị đẩy sâu vào thế phòng ngự cố thủ. Phạm vi kiểm soát của địch bị thu hẹp lại ở khu vực thị xã và một số vùng ven; vùng giải phóng được mở rộng nối liền với vùng căn cứ thành một thế liên hoàn và được củng cố thêm vững chắc.

4. Góp sức vào đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng thị xã Kon Tum và toàn tỉnh Kon Tum.

Chương VII: Lãnh đạo công tác xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng sau giải phóng (1975 – 1980)

Cần tập trung vào các vấn đề:

1. Đảng bộ huyện Kon Plông được thành lập và tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VII

Tháng 02/1976, Tỉnh uỷ lâm thời Gia Lai - Kon Tum ra quyết định sáp nhập các huyện: H16, H29 (thuộc tỉnh Kon Tum cũ) và một phần H1 (xã Đak Rong, Kon Pne thuộc tỉnh Gia Lai cũ) thành một huyện lấy tên gọi là huyện Kon Plông. Đồng thời với việc sáp nhập, thành lập huyện Kon Plông, Tỉnh uỷ Gia Lai - Kon Tum cũng điều chỉnh giao hai xã: Đăk Cấm, Đăk Ui cho thị xã Kon Tum; giao xã Đăk Pxi cho huyện Đăk Tô.

Huyện Kon Plông sau khi điều chỉnh, sáp nhập có diện tích tự nhiên 350.000 ha, dân số 15.502 người, trong đó có 9.892 người vùng căn cứ cách mạng. Toàn huyện có 10 xã, 125 thôn. Trung tâm huyện đóng tại Măng Đen. Huyện nằm ở phía đông nam của tỉnh Gia Lai - Kon Tum, phía bắc giáp huyện Đăk Tô, phía đông giáp hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, phía tây giáp thị xã Kon Tum, phía nam giáp huyện An Khê.

Sau khi thành lập huyện Kon Plông, Tỉnh uỷ lâm thời Gia Lai-Kon Tum ra quyết định thành lập Đảng bộ huyện Kon Plông trên cơ sở hợp nhất hai Đảng bộ H16, H29 và các tổ chức cơ sở đảng của xã Đak Rong, Kon Pne thuộc H1, Gia Lai; đồng thời, chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kon Plông gồm 24 đồng chí; Ban Thường vụ Huyện uỷ gồm 09 đồng chí. Đồng chí Hồ Long (Dỹ), giữ chức Bí thư Huyện ủy.

Từ ngày 22 đến ngày 29-10-1976, Đại hội đại biểu Đảng bộ Huyện Kon Plông lần thứ VII được tổ chức tại Khu trung tâm của huyện (Măng Đen). Tham dự Đại hội có 114 đại biểu đại diện cho 13 đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ huyện.

2. Tập trung lãnh đạo xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng (1977-1980)

Đây là giai đoạn đầu tiên của thời kỳ sau giải phóng, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đảng bộ Kon Plông lãnh đạo quân dân huyện nhà bắt tay vào tái thiết xây dựng và phát triển quê hương trong muôn vàn khó khăn, thử thách. Song với truyền thống yêu nước, cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng bộ đã nhanh chóng khắc phục những bỡ ngỡ ban đầu của thời kỳ mới, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, bám sát và tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giúp đỡ của các ngành chức năng gắn với phát huy nội lực của toàn Đảng bộ và quân dân trong huyện, từng bước cải tạo, xây dựng và phát triển quê hương, đạt được nhiều thành quả to lớn trên tất cả các mặt. 

Chương VIII: Tiếp tục lãnh đạo Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong giai đoạn 1981 - 1985

Tập trung tuyên truyền làm rõ các nội dung nổi bật:

1.    Phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong giai đoạn 1981-1985

 Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VIII (tháng 5-1979) và các hội nghị Huyện ủy đầu nhiệm kỳ VIII đề ra, được cụ thể thành 4 phong trào lớn là:

Một là: Phong trào lao động sản xuất (có năng suất cao, kỷ luật lao động chặt chẽ), đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, đi đối với mở rộng diện tích bằng khai hoang, thủy lợi, định canh, định cư; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tập trung làm lương thực, đồng thời trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, phát triển lâm nghiệp, công nghiệp và thủ công nghiệp. Thực hiện tốt phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.

Hai là: Phong trào bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội. Xây dựng lực lượng vũ trang và dân quân, du kích vững mạnh, có chất lượng, loại trừ bạo loạn.

Ba là: Phong trào học tập văn hóa, khoa học kỹ thuật, xây dựng nếp sống mới, con người mới.

Bốn là: Phong trào xây dựng Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, xây dựng củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng, nhất là cơ sở. Ra sức đào tạo và bồi dưỡng nhiều cán bộ, nhất là cán bộ người địa phương. Cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý chí cách mạng, trau dồi phẩm chất đạo đức, gương mẫu và đoàn kết trong sản xuất, công tác và học tập.

2. Tiếp tục lãnh đạo phát triển kinh tế

 Nhiệm vụ hàng đầu là phải phát triển nông nghiệp toàn diện, cả trồng trọt, chăn nuôi và nghề rừng. Tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm, đồng thời sản xuất cây công nghiệp ngắn và dài ngày, tạo ra sản phẩm hàng hoá trên cơ sở phát huy lao động, đất đai, thâm canh tăng vụ đi đôi với khai hoang mở rộng diện tích, tác động khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp. Đảm bảo đủ ăn, có dự trữ chút ít và làm nghĩa vụ với nhà nước. Tổ chức sản xuất bằng hợp tác hóa dưới hai hình thức tập đoàn sản xuất và hợp tác xã gắn liền với định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Năm 1981, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện là 2,445 triệu đồng, tổng chi ngân sách 3,400 triệu đồng; năm 1984, thu: 9.939.000 đồng, chi 8.838.000 đồng. Hoạt động của ngân hàng có nhiều cố gắng trong việc bảo đảm nguồn vốn phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân, nhất là phục vụ thu mua lương thực, thực phẩm, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân.

3. Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội

Nhiệm vụ đề ra: Đẩy mạnh hoạt động văn hoá, giáo dục y tế, thể thao chuyển lên một bước mới, phù hợp với tình hình nhiệm vụ, đặc điểm của huyện, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, từng bước đổi mới tình hình nông thôn.

4. Giữ vững an ninh, quốc phòng

Đảng bộ xác định: huyện Kon Plông trong bất cứ tình huống nào cũng là căn cứ địa cách mạng, do đó vấn đề quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân là những công tác quan trọng phải được đặt ra và tổ chức thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu đời sống của Nhân dân trong huyện.

Trong những năm 1981-1985, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện vẫn chứa đựng những diễn biến phức tạp. Bọn FULRO sau khi bị ta liên tục tấn công và truy quét trong những năm trước đã đi vào thế tan rã, không dám hoạt động lộ diện, bọn bên ngoài luôn tìm mọi cách thâm nhập móc nối xây dựng cơ sở bên trong. Bọn phản động đội lốt tôn giáo luôn tìm mọi sơ hở của ta để thực hiện các họat động chống đối chính quyền cách mạng. Giữa bọn phản động đội lốt tôn giáo và FULRO vẫn có sự cấu kết móc nối với nhau, ngấm ngầm hoạt động, dùng những thủ đoạn xảo quyệt để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, lợi dụng tôn giáo, phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số để gây chiến tranh tâm lý, phá hoại ta trên tất cả các lĩnh vực... Về trật tự xã hội, trong thời gian này xuất hiện tình trạng trộm cắp tài sản XHCN, trộm cắp của cải Nhân dân, sử dụng vũ khí trái phép... Đầu năm 1981, Huyện uỷ đã đề ra nhiệm vụ đối với công tác an ninh quốc phòng, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm là:

- Làm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và Nhân dân luôn luôn nâng cao ý thức quốc phòng toàn dân, nhận rõ vai trò, vị trí của công tác quân sự địa phương, vừa nâng cao cảnh giác, vừa bảo đảm khôi phục phát triển kinh tế địa phương. Không ngừng tăng cường sức mạnh chiến đấu trong mọi tình huống để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của địa phương.

- Tiếp tục phát động quần chúng phát huy truyền thống cách mạng, phát huy quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động tham gia xây dựng lực lượng vũ trang, tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhận rõ địch - ta, xác định kẻ thù, tích cực truy quét bọn FULRO và trấn áp bọn tội phạm hình sự, xây dựng thực lực cách mạng xã thôn vững chắc. Kiên quyết chống chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý của kẻ địch, loại trừ các phần tử gây rối, gây bạo loạn, xử lý thích đáng và nghiêm minh đối với những kẻ chống phá cách mạng, chống phá đường lối chính sách chủ trương của Đảng, bảo đảm đoàn kết nông thôn để Nhân dân yên tâm sản xuất, xây dựng thôn làng.

- Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động nâng cao bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội và cuộc vận động xây dựng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.

- Tiếp tục củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang, công an nhân dân đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đủ phẩm chất và năng lực bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và được Nhân dân tin yêu.

- Nghiêm chỉnh triển khai xây dựng đội tự vệ cơ quan. Phát triển và xây dựng lực lượng du kích bảo đảm 7 người dân có 1 du kích. Thực hiện tốt tuyển quân đủ quân số trên giao. Quan tâm bồi dưỡng cán bộ xã đội, công an xã.

5. Xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh

Nhiệm vụ  đặt ra: Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, trong những năm 1981-1985. Xây dựng Đảng trên tất cả các mặt chính trị tư tưởng, tổ chức và kiểm tra bảo vệ Đảng. Công tác phát triển đảng viên được tiến hành thường xuyên. Năm 1981, kết nạp 22 đảng viên mới; năm 1983, kết nạp 23 đảng viên mới; năm 1984 kết nạp mới 28 đảng viên. Cũng trong 3 năm 1981- 1983, có 43 đảng viên vi phạm tư cách, phẩm chất bị đưa ra khỏi đảng. Điều đó chứng tỏ rằng, Đảng bộ quan tâm đến phát triển số lượng nhưng cũng rất chú trọng đến chất lượng đảng viên.

 Tăng cường lãnh đạo xây dựng, kiện toàn bộ máy chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội. Đảng bộ huyện thường xuyên giáo dục, động viên quần chúng nâng cao ý thức giác ngộ cách mạng và phát huy quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động; phát động phong trào cách mạng của quần chúng trên mọi lĩnh vực: xây dựng phát triển kinh tế; văn hoá xã hội; bảo vệ an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, qua đó lựa chọn những người tiêu biểu để kết nạp vào các tổ chức của quần chúng. Phong trào hành động cách mạng của các đoàn thể tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, qua đó nâng trình độ giác ngộ của quần chúng lên bước mới.

Chương IX: Vượt qua khó thách thức, thực hiện đường lối đổi mới (1986-1990)

Cần tập trung làm rõ và nổi bật các vấn đề sau:

1. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X; bước đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn địa phương (1986-1988)

Đại hội lần thứ X, nêu rõ những mục tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực:

1. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, đưa nông nghiệp trở thành mặt trận hàng đầu, giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, tạo ra hàng hoá xuất khẩu. Cải thiện một bước đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân lao động, nhất là đồng bào các xã vùng sâu, lực lượng vũ trang, cán bộ công nhân viên chức, bảo đảm các nhu cầu thiết yếu.

2. Định canh định cư cho đồng bào các dân tộc, cơ bản hoàn thành hợp tác hóa trong nông nghiệp, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả, hình thành các cụm kinh tế xã hội.

3. Tập trung giải quyết mạng lưới giao thông từ huyện đến xã, coi đây là khâu đột phá để phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào các dân tộc.

4. Tăng cường an ninh quốc phòng, kịp thời ngăn chặn bọn FULRO trên địa bàn huyện, kiên quyết đập tan âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

5. Xây dựng tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tài nguyên sẵn có tạo ra sản phẩm hàng hóa, tạo nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật.

6. Để thực hiện tốt đường lối đổi mới của Đảng, Đại hội nhấn mạnh vấn đề xây dựng Đảng, trong đó nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm là quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế; đổi mới công tác tổ chức và công tác cán bộ; tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra Đảng; tăng cường đoàn kết, nhất trí trong nội bộ Đảng; toàn Đảng bộ phải thực hiện tốt cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng, làm trong sạch và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, đẩy lùi và xoá bỏ các hiện tượng tiêu cực (chủ nghĩa cả nhân, bảo thủ, trì trệ, cục bộ địa phương), làm lành mạnh các quan hệ xã hội và thực hiện công bằng xã hội.

2. Đại hội Đảng bộ huyện Kon Plông lần thứ XI - tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới (1989- 1990)

Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ: “đẩy mạnh sản xuất nông-lâm nghiệp, phát triển giao thông và thực hiện có hiệu quả 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng nhằm giải quyết một bước ổn định sản xuất và đời sống của cán bộ công nhân viên chức lực lượng vũ trang và Nhân dân. Từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện của cơ quan Đảng, bộ máy Nhà nước, các tổ chức đoàn thể và nâng cao phẩm chất, ý chí chiến đấu của cán bộ, đảng viên ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, Đại hội đề ra mục tiêu:

- Kiên quyết đổi mới cơ chế quản lý, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, giải phóng năng lực sản xuất, phát huy hết các thành phần kinh tế nhằm khai thác hết tiềm năng, từng bước thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn (lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu); định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước thực hiện nghị quyết 10 Bộ chính trị, lấy hiệu quả làm thước đo, từng bước khắc phục đói nghèo, lạc hậu.

- Phát triển nhanh, từng bước mở rộng đường giao thông xuống tận xã và hình thành trục chính giao thông giữa Kon Plông - Quảng Ngãi nhằm tạo một bước giao thông hàng hoá đi lại thuận tiện để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.

- Đề cao cảnh giác đấu tranh giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Củng cố xây dựng các lực lượng vũ trang vững mạnh đến tận cơ sở.

- Tiếp tục củng cố tổ chức, sắp xếp bộ máy, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ và chăm lo củng cố tổ chức cơ sở đảng, chuẩn bị tiền đề cho những năm tiếp theo có bước tiến vững chắc hơn.

Chương X: Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới  (1991-1995)

1. Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Kon Plông lần thứ XII; Đảng bộ quán triệt tiếp tục lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1991-1995)

Đại hội đề ra mục tiêu: Tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên vượt qua những khó khăn gay gắt trước mắt, giữ vững sự ổn định về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc và cán bộ công nhân viên, các đối tượng hưởng chính sách, lực lượng vũ trang trong huyện. Từng bước thực hiện “4 có”:

1. Có ruộng nước gắn với định canh định cư và phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần.

2. Có đường giao thông liên xã gắn với lưu thông phân phối và nâng cao đời sống Nhân dân.

3. Phải có chiến lược con người gắn với đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ ngang tầm nhiệm vụ mới.

4. Giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đại hội chỉ rõ những nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm 1991-1995:

1. Đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, tiếp tục xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế với năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Khẩn trương mở rộng đường giao thông nông thôn, đường liên xã và trục đường 5 xuống Quảng Ngãi.

2. Thực hiện nghiêm túc cơ chế quản lý kinh tế mới nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kinh tế hàng hoá phát triển, khai thác mọi tiềm năng và sự đóng góp tích cực của các thành phần kinh tế. Quản lý chặt chẽ tài chính và ngân sách, thực hiện chính sách tiết kiệm thúc đẩy mạnh mẽ công tác định canh định cư, lập ruộng vườn cho đồng bào các dân tộc.

Giải quyết từng bước có trọng tâm, đặc biệt chú ý chính sách xã hội, chế độ tiền lương, chăm sóc những người có công với nước, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng xa xôi, vùng cao, vùng căn cứ cách mạng.

3. Giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa và đập tan mọi thủ đoạn phá hoại từ bên trong và bên ngoài trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, mặt trận tư tưởng văn hóa.

4. Kiên quyết sắp xếp lại bộ máy nhà nước, cơ quan Đảng, đoàn thể, các đơn vị sản xuất kinh doanh. Chấn chỉnh tổ chức và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, thiết lập trật tự kỷ cương trong kinh tế xã hội.

5. Xây dựng Đảng vững mạnh, đây là điều kiện quyết định của việc hoàn thành nhiệm vụ. Đổi mới cán bộ và công tác cán bộ. Hoàn thiện cơ chế tuyển chọn, bố trí, đề bạt và thay đổi cán bộ, đẩy mạnh việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ.

Đại hội đề ra những biện pháp lớn nhằm thực hiện mục tiêu:

1. Về ổn định và phát triển kinh tế. Tập trung triển khai thực hiện 3 chương trình kinh tế tạo ra nguồn vốn tích luỹ cho ngân sách, khơi dậy các thế mạnh nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Chọn một số phương án công trình then chốt để tạo điều kiện đưa nền kinh tế của huyện phát triển lên một bước mới.

- Phát triển chăn nuôi lên sản xuất hàng hoá. Xây dựng đề án đầu tư cải tạo và phát triển mạnh đàn đại gia súc theo hướng phục vụ nhu cầu thực phẩm.

- Về lâm nghiệp, quan trọng nhất là trồng rừng, bảo vệ vốn rừng, khai thác gắn với bồi dưỡng vốn rừng. Chặn đứng tình trạng khai thác bừa bãi.

2. Về phân phối lưu thông.

- Mở rộng thị trường trong huyện để thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển. Việc mở rộng thị trường nông thôn đòi hỏi phải gắn với sự phát triển sản xuất và khu dân cư, mở mang đường sá, hình thành các chợ, các điểm mua bán, ngành thương nghiệp thông qua việc bám sát, tác động vào sản xuất để tổ chức nguồn hàng, nắm khâu buôn bán và làm chủ những mặt hàng thiết yếu đến đời sống và sản xuất.

- Về kinh tế tài chính: kế hoạch tài chính của huyện hướng vào việc tạo vốn và sử dụng vốn có hiệu quả. Thực hiện “triệt để tiết kiệm” để bảo đảm ngân sách cho các mục tiêu kế hoạch đã xác định.

3. Về công tác xã hội.

- Tuyên truyền giáo dục nhận thức, chủ trương, đường lối của Đảng. Cổ vũ động viên các phong trào hành động cách mạng ở cơ sở, vận động xây dựng nếp sống có văn hoá, chống mê tín dị đoan và các loại văn hóa có hại đến đời sống tinh thần của Nhân dân. 

- Đầu tư xây dựng có chất lượng trường phổ thông nội trú, trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Chú ý đào tạo bồi dưỡng giáo viên cấp I và cấp II là người tại chỗ, người dân tộc, bảo đảm các cháu đến tuổi đều được đi học.

- Công tác y tế, chú trọng vào việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu đến hộ gia đình,  phòng chống tốt các bệnh xã hội và bệnh sốt rét. Củng cố và mở rộng mạng lưới y tế cơ sở, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa.

- Bảo đảm phần ngân sách trợ cấp cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội mở rộng hoạt động của các hội từ thiện, các quỹ xã hội.

4. Quốc phòng an ninh

- Tập trung xây dựng và hoàn thiện từng bước các khu vực phòng thủ, làm tốt công tác hậu phương quân đội. Tổ chức huấn luyện thường xuyên quân dự bị động viên và dân quân tự vệ.

- Về an ninh chính trị, chủ động đấu tranh với mọi âm mưu phá hoại toàn diện của kẻ thù, phát động liên tục phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, mở các đợt tấn công, truy quét các loại tội phạm.

5. Nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước và vai trò của các đoàn thể nhân dân.

6. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sự nghiệp đối mới.

- Thường xuyên có kế hoạch cụ thể, triển khai thực hiện các chỉ thị và nghị quyết của Trung ương về đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Đối với bộ máy Đảng, bộ máy nhà nước và các đoàn thể quần chúng, tiếp tục sắp xếp theo hướng gọn nhẹ có chất lượng và hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới. Nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng trong những năm tiếp theo hết sức cấp bách, do đó, các cấp uỷ cần thực hiện các biện pháp chủ yếu.

- Tổ chức quán triệt nắm vững quan điểm, nguyên tắc cơ bản của công tác xây dựng Đảng.

- Kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức, kiểm tra cùng với các ngành nội chính để kịp thời phát hiện điều tra, ngăn ngừa và giáo dục đảng viên chấp hành điều lệ Đảng và luật pháp nhà nước, kiên quyết xử lý thoả đáng những vụ việc tiêu cực.

- Các cấp uỷ Đảng phải thực sự quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng, củng cố tổ chức quần chúng, nhất là Đoàn thanh niên theo Nghị quyết 25 của Bộ Chính trị (khoá VI).

2. Lãnh đạo phát triển kinh tế

3. Phát triển văn hoá- xã hội

4. Giữ vững an ninh quốc phòng

5. Tăng cường công tác xây dựng Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền và vai trò của đoàn thể nhân dân

Chương XI: Lãnh đạo thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn (1996-2002)

1. Đổi mới toàn diện quê hương theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1996-2000)

2. Kon Plông trong những năm đầu thế kỷ (2001 -2002).

2.1. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2000-2005

2.2. Kon Plông trong những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2002)

Phần kết luận: Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng đối với tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung, huyện Kon Plông - một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, là căn cứ địa vững chắc qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - được hình thành, xây dựng và phát triển qua nhiều thời kỳ lịch sử vẻ vang với những tên gọi khác nhau. Ở thời kỳ nào, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Kon Plông luôn là một khối đoàn kết, thống nhất, gắn bó yêu thương nhau, có tinh thần yêu nước nồng nàn, anh dũng bất khuất trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược và luôn cần cù lao động, chung tay xây dựng, phát triển quê hương. Truyền thống tốt đẹp đó được hình thành, hun đúc trong quá trình lịch sử phát triển của huyện, đã phát huy cao độ khi có ánh sáng cách mạng của Đảng, của Bác Hồ chiếu rọi đến Tây Nguyên, đặc biệt là khi có sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Kon Tum, trực tiếp là Đảng bộ huyện Kon Plông - Nhân dân các dân tộc đã sớm giác ngộ, đoàn kết một lòng, trung thành với Đảng, theo Đảng làm cách mạng.

Lịch sử Đảng bộ huyện Kon Plông được bắt đầu từ khi có sự lãnh đạo của Đảng, khi có Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ra đời vào tháng 4-1947 trên địa bàn huyện và sự thành lập Ban Cán sự Đảng (sau này là Huyện uỷ) vào đầu năm 1950. Đây là giai đoạn tiếp nối, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống lịch sử của đồng bào các dân tộc trong huyện được kết tinh trong lịch sử chống đế quốc, thực dân, phong kiến và xây dựng, phát triển quê hương dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện suốt từ cuối thế kỷ XIX đến thập niên 20 của thế kỷ XXI, với mục tiêu bảo vệ vùng đất, nguồn nước, của cải tài nguyên, phong tục tập quán, văn hóa địa phương và cao hơn là giành độc lập dân tộc, tự do, dân chủ. Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quê hương và con người Kon Plông đều đổi mới, ngày càng phát triển. Có được những thành quả trên là do:

- Về khách quan: Có chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ đúng mức của Trung ương và của tỉnh đối với địa phương. Huyện Kon Plông vốn có thế mạnh về rừng, đất đai màu mỡ, có nhiều tiểu vùng sinh thái với sự đa dạng về cây trồng, vật nuôi. Nhân dân cần cù lao động và có kinh nghiệm về phát triển nông, lâm nghiệp.

- Về chủ quan: Đảng bộ Kon Plông có bản lĩnh cách mạng kiên cường; đội ngũ cán bộ, đảng viên có kinh nghiệm lãnh đạo thông qua thực tiễn gắn bó với địa phương, có truyền thống cách mạng, có sự linh hoạt trong quá trình triển khai cụ thể hoá nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng địa phương, Đảng bộ luôn giữ vững và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Bảo đảm sự đoàn kết thống nhất cao trong quá trình lãnh đạo, có sự đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức cũng như trong tư duy, hành động. Phát huy vai trò lãnh đạo trong hệ thống chính trị, tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng; đoàn kết, nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển huyện nhà.

 Từ những thành quả đạt trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện Kon Plông rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Một là: Chủ động nghiên cứu, nắm chắc đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội, vị trí chiến lược của địa phương gắn với quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trên cơ sở đó đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ, đề ra những chủ trương đúng đắn, sát hợp thực tiễn, xác xác định rõ lĩnh vực đột phá để tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở.

Hai là: Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ huyện luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; đảm bảo quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, quan tâm giải quyết tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo và nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân gắn với xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Ba là: Luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; xác định Nhân dân là trung tâm, là chủ thể, là cội nguồn sức mạnh trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương; luôn chú trọng thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thường xuyên củng cố, tăng cường niềm tin và bồi đắp mối quan hệ gắn bó máu thịt Đảng - Dân, chăm lo cho Nhân dân, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết trong Nhân dân; dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, tăng cường đối thoại, lắng nghe và kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các biểu hiện xa rời quần chúng.

Bốn là: Luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng; thường xuyên tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; phát huy nhân tố tích cực, khác phục bảo thủ, trì trệ, phát huy trí tuệ tập thể, nâng cao trách nhiệm cá nhân. Xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”; làm tốt công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đúng cán bộ. Chú trọng xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trước hết là trong cấp uỷ mà nòng cốt là Ban Thường vụ cấp ủy.

Năm là: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền của huyện luôn có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có bước đi phù hợp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển.

                                        …………………………………..

 

 

Phụ lục tài liệu tham khảo:

1. Sách lịch sử Đảng bộ huyên Kon Plông, tập 1 (1930-1945), tái bản có bổ sung, chỉnh sửa sách lần thứ nhất, năm 2024.

2. Sách lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Kon Plông (1945- 2020), xuất bản năm 2024.

 

 

 



[1] Theo thông báo số 916-TB/TU, ngày 04 tháng 01 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về xác lập Ngày Truyền thống của Đảng bộ Huyện Kon Plông, lấy ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên là Chi bộ xã Pờ Ê, làm ngày truyền thống Đảng bộ huyện Kon Plông. Đó là ngày 22 tháng 04 năm 1947.

[2] Nhân dân Liên khu V, số 31, ngày 15-8-1951.

[3] Làng Kon Xủ nay thuộc thị trấn Măng Đen.

[4] Tài liệu thống kê đảng viên ở các vùng và cơ sở tháng 8-1974.

UBND Xã Pờ Ê.
Tin khác
1 2 3 4 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0